Huỳnh Anh Tú (Danlambao)
- Nhắc đến chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), tôi luôn nghĩ tới những
hình ảnh thân thương của người lính năm xưa. Nhất là những người đã chôn
lấp một phần thân thể trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này.
Sau biến cố năm 1975, hầu hết những người từng phục vụ trong “chế độ văn
minh cũ” VNCH đều bị “chế độ lạc hậu mới” cộng sản trả thù và bách hại.
Phần đông những người ấy bị dồn vào các nhà tù với lý do đi “tập trung
cải tạo”. Số khác phải bỏ nước ra đi với hy vọng đến được miền đất tự
do, để rồi không ít người đã phải bỏ mạng trên biển cả. Những người còn
lại, phần lớn là thương phế binh, phải sống kiếp tủi buồn, cơ cực và là
thành phần bị phân biệt đối xử, bị nhà cầm quyền o ép trù dập.
Họ sống như thế đã hơn 40 năm qua.
Câu chuyện này tôi xin kể về một người quen mà sự sống của ông chỉ còn được đếm từng ngày. Căn bệnh ung thư gan thời kỳ cuối đang hành hạ và trút lên cơ thể ông những cơn đau cuối cùng trong cuộc đời.
Câu chuyện này tôi xin kể về một người quen mà sự sống của ông chỉ còn được đếm từng ngày. Căn bệnh ung thư gan thời kỳ cuối đang hành hạ và trút lên cơ thể ông những cơn đau cuối cùng trong cuộc đời.
Thời gian chưa bao giờ chờ đợi bất cứ một ai. Mới hôm nào tôi gặp ông
tại văn phòng Công Lý & Hòa Bình, Dòng Chúa Cứu Thế - Sài Gòn. Bằng
giọng nói khoan thai đầy tự tin, ông đã kể cho tôi nghe những câu chuyện
bi tráng trong đời lính. Và cả những câu chuyện cơ cực trong cuộc sống
mưu sinh.
Hôm nay, người Thương Phế binh ấy tiếp tôi trên giường bệnh. Vết thương
do chiến tranh và cơn đau bởi căn bệnh ung thư quái ác đang cùng lúc
hành hạ ông.
Nói chuyện với tôi, ông vẫn gượng cười. Nhưng nụ cười đã héo hắt và ánh mắt chậm chạp, hơi thở khó khăn.
Cuộc đời chinh chiến
Ông là Nguyễn Văn Sinh, năm nay 66 tuổi.
Tháng 3/1968 ông nhập ngũ và học tại Trung Tâm Huấn Luyện Quốc gia Vạn Kiếp, tỉnh Phước Tuy, nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau 3 tháng quân trường, ông được bổ sung vào đơn vị thuộc tiểu đoàn 181, sư đoàn 18 Bộ binh, đóng quân tại Long Khánh.
Sau đó ông xin chuyển về tiểu đoàn 2, trung đoàn 10 thuộc sư đoàn 7 Bộ binh - đóng quân tại Mỹ Tho.
Ông từng tham gia nhiều trận chiến ác liệt tại vùng đất Cam-pu-chia.
Nhìn vào vết thương ở bàn tay phải, ông nói: “Bàn tay bị thương này là tôi bị trúng đạn của quân thù tại Cam-pu-chia”.
Ông bùi ngùi kể lại:
“Tôi còn nhớ rất rõ, vào tháng 4/1972 (Mùa Hè Đỏ Lửa), tại tỉnh Kam
Poon Rao- Cam-pu-chia, lúc bấy giờ tôi là tiểu đội trưởng tiểu đội 1,
đại đội 1, tiểu đoàn 2, trung đoàn 10 thuộc sư đoàn 7 bộ binh.
Trong cuộc giao tranh với quân thù, tôi đi phía sau 7 người lính
thuộc cấp của mình, hai tay cầm hai trái lựu đạn và ra lệnh họ cứ tiến
thẳng, đằng sau đã có tôi yểm trợ. Vừa nói xong thì có làn pháo từ phía
trước ập tới. Tôi hô to “tiểu đội 1 nằm xuống! phía sau có tôi yểm trợ”.
Ngay lúc đó bỗng có một loạt tiếng AK từ bên cánh rừng bắn vào bàn tay
tôi. Cũng may hai trái lựu đạn của tôi chưa được rút chốt, nếu không
mạng sống của tôi không giữ được từ lúc đó.”
Sau một tháng, tôi xuất viện, bác sĩ phân loại vết thương của tôi là loại 3 (50%), từ đó tôi phải giải ngũ.”
Quãng đời còn lại
Năm 1974, ông gặp được và kết duyên cùng người con gái dịu hiền tên Trần
Thị Lan. Hạnh phúc của hai người chưa được bao lâu thì biến cố 1975 lại
ập đến.
Kết quả là ông “được” nhà cầm CS “ban tặng” cho 3 ngày “tập trung cải
tạo”. Từ đó về sau ông cũng như tất cả những người từng phục vụ cho chế
độ Miền Nam đều bước sang một cuộc sống khác, cuộc sống như không phải
của mình.
Mặc dù bàn tay phải hầu như không còn tác dụng nữa, thậm chí đôi lúc nó
còn làm ông đau đớn, nhưng ông phải tảo tần sớm hôm để mưu sinh. Ông
phải chèo xuồng đi lấy củi từ các đại lý, sau đó mang về nhà chẻ nhỏ ra
và bó nhỏ lại chất lên chiếc xe ba gác đạp, đi khắp các phố phường để
rao bán.
Được một thời gian ông phải đổi nghề “cao quí” hơn là đạp xích lô.
Ông dí dỏm khoe với tôi: “mình bị thương ở bàn tay chứ đâu phải cái chân đâu, mà không đạp xích lô được”.
Cuộc sống của ông bà nghèo khó, vất vả nhưng đầm ấm, thuận hòa. Họ có 5
người con và các con ông bà đến nay tất cả đều đã đã trưởng thành.
Thần chết đang cận kề
Vào đầu tháng 4/2016, ông cảm thấy đau ở thắt lưng và da chuyển sang màu vàng. Trong lần khám bệnh tại “Chương Trình Tri Ân Thương phế Binh VNCH”
- Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn, các bác sĩ đã phát hiện có khối u ngay
túi mật. Sau đó ông phải nhập bệnh viện. Bác sĩ kết luận ông bị ung thư
di căn, đang ở giai đoạn cuối.
Biết là không thể cứu chữa được nên vợ con ông đã quyết định đưa ông về
an dưỡng tại nhà để được quây quần bên con cháu những ngày cuối đời.
Chiến tranh bao giờ cũng gây nên biết bao sự chết chóc tang thương.
Chính những người lính là những con người phải gánh chịu mất mát thiệt
thòi nhiều nhất. Họ chấp nhận đứng trước lằn tên mũi đạn để che chắn bảo
vệ sự bình yên cho quê hương đất nước.
Những người Thương phế binh năm xưa, nay cứ thưa dần, thưa dần. Hôm qua
là đồng đội của ông Sinh đã ra đi. Hôm nay là ông Sinh. Ngày mai sẽ là
những người còn lại. Chúng ta, lần lượt đều phải chia lìa cõi vô thường
này.
Nhưng nỗi đau của Dân tộc, bao giờ mới vơi?