Hoàng Thị Doãn
Đ
|
úng là những ngày tháng không quên thật! Sau 30.4.75, tôi bị ở
lại Việt Nam là một điều quá ngu xuẩn rồi. Tự mình làm hại mình và hại cả tương
lai con cái nữa. Niềm đau này thật không làm sao phôi pha được với thời gian,
vết thương trong lòng tôi cứ chua xót ngậm ngùi!
Nhớ lại ngày tôi vào trình diện
tại trường SNA cũng là ngày không quên được nữa! Bước chân đến trường với tâm
tư hoang mang cùng cực, không biết rồi đây mình sẽ làm gì và sẽ được đối xử như
thế nào đây? Vừa vào đến sân trường đã thấy một số bạn bè ngồi sẵn trên các ghế
đá, nhìn nhau nhếch mép không nổi; ai còn ai ở lại đều rõ cả rồi. Nhìn kỹ các
bạn đồng nghiệp, tôi thấy có người đã mặc áo bà ba quần đen. Có lẽ phải thay
đổi cách ăn mặc như vậy mới thích nghi với hoàn cảnh mới chăng? Và Cộng Sản vào
đây chỉ để làm cho con người trở nên quê mùa xấu xí mà thôi?!
Qua bao thủ tục như khai tên họ,
nộp lại thẻ căn cước v.v... Chúng tôi trở lại nghề "gõ đầu trẻ" của
mình. Ngay hôm khai giảng, nghe bài Quốc Ca dưới sân trường mà tôi rùng mình và
muốn khóc! Tôi cứ bàng hoàng không thể ngờ được có một ngày quê hương tôi đều
nhuộm đỏ như thế này! Viết đến đây, tôi lại nhớ có một lần phải điều khiển buổi
lễ chào cờ, một bạn đồng nghiệp của tôi đã bắt đầu bài Quốc Ca "Này
công dân ơi....". Chúng tôi qua một thoáng sững sờ, muốn cười quá sức
mà đành phải nín lặng.
Tôi may mắn hơn các bạn dạy Văn,
Sử; môn Khoa học mà tôi phụ trách thì dù ở thời đại nào cũng phải diễn tả trung
thực mà thôi. Chỉ tội nghiệp xót xa cho các bạn tôi, giảng bài mà không dám
nhìn thẳng vào mặt học sinh, chỉ biết nhìn bức tường trước mặt và cố đóng cho
xong vai trò. Nói dối quá sức như vậy làm sao khỏi hổ thẹn lương tâm của một
nhà giáo đã chứ!
Những ngày tháng kế tiếp của chúng
tôi thật nặng nề, chán nản, hội họp liên miên khiếp quá! Suốt tuần không có
ngày nào được ở nhà. Buổi sáng vào lớp dạy, chiều lại họp. Chao ôi! Họp kiểu gì
mà họp dữ vậy không biết? Nào là họp Tổ chuyên môn, họp Khối chủ nhiệm, họp
Công đoàn, họp Ban đời sống, họp Ban văn nghệ rồi làm sổ sách, cộng điểm, phê
học bạ... Trong phòng giáo sư, luôn luôn có một cái bảng đen chia ra 2 phần:
Một phần ghi những việc làm tốt, phần kia là những việc chưa tốt. Điều làm tôi
đau đầu và chán nhất là buổi họp đầu tháng, không có tháng nào là không có kế
hoạch thi đua. Thí dụ "kế hoạch hái hoa dâng Bác" chẳng
hạn. Lại còn thi đua giữa học sinh, thi đua giữa các giáo sư, các tổ chuyên
môn, đăng ký dạy giờ, dự giờ, ngồi phê bình kiểm thảo lẫn nhau. Ra khỏi phòng
họp là chân bước không muốn nổi và chỉ muốn "thua đi"
cho nó rồi.
Sau đó lại có mục kết nạp các giáo
viên vào Công đoàn; Ban Giám Hiệu cho đó là một vinh dự; còn tôi, tôi lại thấy
chính sự kết nạp này nhằm để gây chia rẽ trong hàng ngũ giáo sư. Người chưa
được kết nạp sẽ bị coi như là ý thức chính trị chưa tốt; nhưng làm sao tốt
được, dù có chẻ đầu óc chúng tôi ra làm hai rồi nhét các chủ thuyết Karl Marx
và Lénine vào, cũng thế thôi. Hè đến còn phải học chính trị nữa, năm đầu tiên
phải học luôn 3 tháng; những giờ học tập dài lê thê và buồn ngủ quá! Ngoài
miệng chúng tôi cũng thảo luận hăng say lắm nhưng thật ra chỉ nói như vẹt, ra
khỏi phòng học là không biết mình nói cái gì nữa!
Sống với chế độ Cộng Sản thật đúng
là chế độ làm bần cùng hóa nhân dân. Ngày nào các Thầy Cô ăn mặc áo quần sang
trọng đẹp đẽ, được đám học sinh coi như thần tượng mà bây giờ mỗi Thầy Cô xách
tòn ten mỗi người một túm cá, hay 1 túm thịt, một chút bột ngọt, một gói
đường... Thật không còn vẻ hào hoa phong nhã của ngày nào! Một số học sinh
thường nói với chúng tôi rằng:
- Chúng em nhìn thấy các Thầy Cô
như vậy, thần tượng trong lòng chúng em tiêu tan hết!
Cũng đành tiêu tan thôi các em ơi!
Vì chính bao tử của các Thầy Cô cũng cần chúng nó kia mà! Chúng tôi thường gọi
loại cá này là cá "long hội", có nghĩa là ăn vào nó sẽ
lôi họng mình ra vì quá xương. Nhớ lại việc chia nhu yếu phẩm này mà buồn, cũng
có nhiều vị đâm ra so bì cái này ngon, cái kia dở. Cuộc sống thê thảm quá! Đã
vậy, ngay các thức cần dùng hằng ngày cũng không được phân phát đầy đủ: 3 người
lãnh chung một ống kem đánh răng, hai người lãnh chung một cái mùng hay một cái
vỏ xe đạp (xin nói rõ là phải trả tiền chứ không phải cho không đâu). Còn áo
quần thì năm nay chỉ mua được 2 mét vải, chỉ may được cái áo thôi, chờ sang năm
mới có quần và khi đó cái áo đã muốn rách rồi! Quá chán chường với chính sách
bần cùng này nên có dịp là chúng tôi châm biếm mỉa mai. Có một lần đang trong
buổi họp, đến giờ giải lao, các Thầy được cho đi lãnh quần đùi. Lãnh xong mặc
luôn vào ngoài quần tây rồi trở vào ngồi họp, xem như không có gì xảy ra, làm
cho chúng tôi cười một trận đến nôn ruột luôn.
Cứ thế với thời gian, chúng tôi
gầy gò xanh xao dần. Đồng lương không đủ sống, nửa tháng lãnh lương một lần,
cầm mấy chục bạc trong tay mà ngao ngán thở dài, không biết làm sao mà sống đủ
trong hai tuần đây? Chúng tôi phải bán dần các thứ còn lại trong nhà để phụ
thêm vào, theo đúng chủ trương "sạch nhà, sạch cửa". Có một thời gian
chúng tôi ăn toàn bo-bo, bột mì rồi đến khoai mì thay cơm; ăn làm sao cho hết
một ngày cả mấy chục kilô khoai mì, mà để lâu thì bị hư thối, tháng đó bị hụt
phần lương thực rồi đó. Ăn không đủ no mà lại làm việc quá nhiều, bắt chúng tôi
phải soạn giáo án đầy đủ. Thật là một việc làm vô ích khi những bài dạy từ năm
này qua năm kia đã nằm sẵn trong đầu óc chúng tôi, vậy mà đêm về phải thức viết
lại ra giấy.
Ngoài ra, còn có hai việc khốn nạn
nhất là trực đêm và trực cho heo, gà ăn. Gọi là trực đêm chứ nếu có ăn trộm vào
gỡ hết gạch ngói của nhà trường, chúng tôi cũng không biết. Mà có biết cũng
chẳng dám làm gì vì đàn bà chúng tôi vốn dĩ đã nhát gan rồi. Chỉ việc ban đêm
đến trường, leo lên lầu, vào phòng giáo sư bật cho được ngọn đèn lên cũng đã
quá mừng rồi. Sau đó, đóng chặt cửa leo lên bàn nằm và trông cho mau sáng; khổ
nhất là đứa nào cũng muốn nằm vào phía trong chứ không chịu nằm ngoài gần cửa
lớn, cuối cùng đành "oánh tù tì" thôi.
Tuy vậy, trực đêm chưa khốn khổ
bằng trực heo, gà. Chủ trương chính sách gia tăng sản xuất, nhà trường đã dùng
gầm cầu thang để nuôi; chỉ một đàn gà và hai ba con heo mà mỗi ngày đêm có ba
ca trực, mỗi ca hai giáo viên. Chúng tôi thường nói lũ heo gà này thật tốt số,
chúng được săn sóc kỹ hơn con cái của chúng tôi nữa. Chúng tôi đi suốt ngày thì
giờ đâu mà chăm lo cho con, chúng học được chữ nào hay chữ đó, nhiều khi cơm
cũng không kịp nấu mà ăn. Đó là chưa kể ngày lễ hay ngày chủ nhật phải đem học
sinh đi dự lễ hay làm vệ sinh phường khóm nữa.
Tắm heo và cho gà ăn mà cũng có
bảng nội quy treo sẵn trong phòng giáo sư, ai làm chưa tốt được nêu tên lên
bảng đen liền. Cho gà ăn còn đỡ, tôi sợ nhất là tắm heo. Phải xắn quần, chui
vào gầm cầu thang, người hơi cao như tôi lại càng khổ thân hơn nữa. Phân heo và
nước lẫn lộn, bước vào hai chân cảm thấy ghê ghê làm sao! Việc đầu tiên là nắm
ngay lấy vòi nước, nhắm mắt nhắm mũi dội cho phân trôi bớt đi đã, phần thì sợ
heo cắn nên cứ xịt tưới vào mình nó rồi muốn cho nó đứng yên thì lấy bàn chải mà
chà khắp mình. Có lẽ heo cũng giống người, sau khi tắm rửa mát mẻ xong, nó cũng
thích đi dạo. Do đó có một lần sau khi tôi tắm cho nó xong, nó đã xổng chuồng
chạy luôn, không làm sao chặn đuổi theo kịp. Cả trường vắng lặng vì đang có giờ
học, vậy mà con heo hứng chí chạy ngay vào một lớp học, có lẽ nó cũng muốn
"dự giờ"! Tôi vừa chạy theo vừa la lên, làm cho cả lớp hôm đó cười
một trận đích đáng; cuối cùng cả thầy lẫn trò phụ nhau dắt nó về chuồng.
Tôi quá chán ngấy việc đi dạy học
này rồi, ít ra cũng phải đủ ăn, công sức mình bỏ ra phải được đền bù xứng đáng.
Muốn dạy tốt, học sinh phải học tốt; đằng này chính các em cũng chưa đủ no, làm
sao học được? Vào lớp các em nằm ngay trên bàn mà ngủ vì 2 giờ sáng đã phải
thức dậy phụ với mẹ lo dọn hàng. Nhìn thấy cả một thế hệ trẻ đang đi thụt lùi
dần mà đau lòng vô cùng!
Tôi phải kéo lê những ngày buồn
chán này vì nếu không có nghề nghiệp gì trong khi chồng đi cải tạo, cả nhà phải
dọn đi Kinh Tế Mới. Cuộc sống thật nặng nề ngột ngạt, về địa phương làm gì cũng
sợ bị để ý: Năm ba người bạn đến thăm, ngồi quây quần nói chuyện với nhau cho
đỡ buồn cũng sợ bị Công an nghi ngờ. Đến trường gặp thêm cái nạn bắt phải bài
trừ "văn hóa đồi trụy" như các băng "nhạc vàng" phải xóa
hết hoặc cấm không cho nghe các đài ngoại quốc như BBC, VOA... Đầu óc luôn luôn
bị căng thẳng, hôm nay đồn đổi tiền, ngày mai nghe đồn chuyện khác mà mỗi lần
đổi tiền, nhân dân lại khốn đốn thêm vì vật giá leo thang vùn vụt. Lần đổi tiền
đầu tiên tôi sợ quá, mỗi gia đình chỉ đổi được 200 đồng thôi. Cầm số tiền trong
tay, tôi đã khóc, cứ sợ làm sao đủ sống, do đó cứ cho các con ăn toàn bí ngô và
rau muống triền miên. Công nhân viên mỗi tháng mua được nửa ký thịt giá chính
thức, còn ngày Tết mới mua được một ký-lô nhưng phải ra phường khóm xếp hàng từ
3 giờ sáng.
Sau 3 năm không chịu đựng nổi, tôi
đã quyết định nghỉ dạy dù chưa biết làm gì để sống? Các bạn tôi cũng muốn nghỉ
dạy lắm nhưng phần lớn ai cũng sợ vì ngoài việc đi dạy học có quen làm nghề gì
khác đâu!
Tôi thì nhất định liều! Sống gì mà
ngày qua ngày chỉ thấy mệt mỏi chán chường, không có gì vui cũng không có gì
phấn khởi cho chân muốn bước tới. Tôi nộp đơn xin thôi việc, Ban Giám Hiệu đã
nhiều lần đến nhà yêu cầu tôi vì các em học sinh mà ở lại, nhưng ai lo cho bao
tử mấy mẹ con tôi đây? Bắt đầu đưa đơn là tôi không đặt chân đến trường nữa, dù
chưa có quyết định nghỉ việc. Tôi không nhận thêm gì từ tiền lương cho đến nhu
yếu phẩm.
Sau ba tháng thấy tôi không thay
đổi lập trường, Ban Giám Hiệu đành chuyển đơn lên Bộ Giáo Dục. Kể từ đó, tôi
mới thấy tâm hồn mình được thảnh thơi nhẹ nhàng rất nhiều. Tôi đi theo một nhóm
học trò cũ ra đứng bán ở Chợ Trời, các em tập cho tôi buôn bán. Ra đến đây mới
thấy thật đáng thương cho nghề giáo của mình, học hành chữ nghĩa thì nhiều
nhưng cũng lại nghề đói nhất. Trong khi ở thế giới này, họ có cần văn chương
trí thức gì đâu, vậy mà con cái họ được no ấm đầy đủ hơn con chúng tôi.
Những ngày đầu tiên ở đây, tôi cảm
thấy tủi nhục quá, khó mà thích nghi với môi trường này, về nhà nằm xuống chỉ
muốn khóc. Nhưng các con tôi cần cơm áo, tôi không lo cho chúng thì ai lo đây,
chúng cần phải no để mà học. Do đó, tôi chai lì dần với thời gian, đã gọi là
Chợ Trời rồi thì Thầy Cô cũng thế thôi, ngang hàng nhau hết.
Ô hô! Mỗi cuộc đời đảo lộn, ai
giải phóng ai đây?
Khi đọc "Thương Nhớ Mười
Hai" của Vũ Bằng ta thường bâng khuâng tiếc nuối những tháng Tư của dĩ
vãng ấu thơ, vào hè của tuổi thơ với những nao nức về ngày nghỉ sắp tới, vội vã
trao cho nhau những cuốn lưu bút ngày xanh ép đầy những cánh phượng đỏ thắm!
Nhưng đến một tháng Tư kinh hoàng cách đây 30 năm thì những huyền diệu tháng Tư
đã sụp đổ tan tành không vương vấn một dư âm nào của khúc nhạc ngày hè năm xưa!
Bây giờ mỗi tháng Tư đi qua đời mình là một thẫn thờ hoài niệm khoảng thời gian
mở đầu cho những gian nan thử thách với giông bão của cuộc đời.
30.4.75, ngày đau thương tang tóc
cho toàn dân miền Nam Việt Nam, ngày sụp đổ của một chế độ không lấy gì làm tốt
đẹp lắm để thay thế bằng một chế độ khác biệt trăm lần khác biệt và bạo tàn
hung ác hơn.
Cứ mỗi tháng Tư vào hè trên quê
hương, tôi không thể nào quên được 14 năm ở lại gian nan cùng cực, một thời
gian khủng khiếp, vô hình đã trở thành một ấn tượng bi thảm cho người dân Việt
Nam về hai tiếng 30/4.
Tháng Tư của kinh hoàng, của đau
thương, của nghèo đói, của thử thách và cũng phải là khởi điểm của tranh đấu,
hy vọng, tin yêu để tái tạo lại một quê hương Việt Nam thanh bình tươi sáng,
hạnh phúc và tự do.
(München - Đức Quốc)