8/3/16

Bắc Kinh xốc tới: bão lửa biển Đông khó tránh



HÀ NHÂN VĂN
ASEAN VIÊN CHĂN
Mặc dầu Trung Cộng (TC) ráo riết vận động ba nước Cao Miên, Thái Lan và Lào nhưng vẫn thất bại to, đây là lần đầu tiên sau Thượng đỉnh ASEAN Nam Vang, Cao Miên, 10 nước trong Thượng đỉnh Viên Chăn nhất trí đoàn kết qua bản Thông cáo chung kết thúc Thượng đỉnh Viên Chăn vào ngày 26-2 vừa qua:
1. ASEAN chủ trương "nhất quán" phải được tự do giao thương hàng hải trên Biển Đông mà TC nay bắt đầu gọi là "South China Sea".
2. ASEAN không đồng ý "quân sự hóa Biển Đông", không một nước hội viên nào bày tỏ lập trường và quan điểm trái ngược nhau kể trên. Đài Loan với tân TT Thái Anh Văn cũng một lập trường như ASEAN, tuyệt đối tôn trọng giao thương tự do trên Biển Đông. Đài Loan mặc nhiên không công nhận "đường giao thông tơ lụa" (The Silk Road) của TC áp đặt trên Biển Đông. Phó Thủ tướng Lào, một trí thức trẻ Thongloun Sisoulith đã chủ động được thượng đỉnh trong nhất trí, đúng với những điều Thủ tướng Lào Thammavong đã hứa với NT Mỹ John Kerry trong chuyến Kerry thăm Lào quốc vào dịp Lào tiếp nhận Chủ tịch ASEAN Viên Chăn.
http://media.baogiaothong.vn/files/chi.do/2016/01/29/tinh-hinh-bien-dong-ngay-9-11-2-2220.jpg
TC nuôi tham vọng kiểm soát biển Đông
MỘT THẾ GIỚI LOẠN LẠC
Gần một thế kỷ nay, chưa bao giờ tình hình thế giới nhiễu loạn, phức tạp và căng thẳng như hiện nay. Chiến tranh lạnh chỉ riêng một bề, Đông và Tây, Liên Xô, khối CSQT, Hoa Kỳ và Thế giới tự do. Mấy năm nay, thế giới chia năm, xẻ bảy như quí độc giả đã rõ. Đại cương, Hồi giáo Thánh chiến quá khích, Ukraine - Nga Sô, NATO với Nga Sô, Bắc Á với Nam Bắc Triều Tiên - Nhật Bản, Trung Cộng Mỹ, Đông Nam Á v.v.. Cứ loạn xà bần!
Biến cố nặng nhất, rối rắm nhất là Âu châu với làn sóng Hồi giáo di cư. Cho đến nay, Âu châu chia rẽ trầm trọng, không tìm ra giải pháp cho vấn đề tỵ nạn, đồng thời Liên Âu lại đang trải qua cuộc suy trầm kinh tế và chính trị do Anh quốc đe dọa rút khỏi Liên Âu. Cuộc trưng cầu dân ý ở Anh quốc tới đây đặt Liên Âu bên lề suy thoái toàn bộ, nếu đa số dân Anh đồng ý ly khai Liên Âu. Đô trưởng Luân Đôn, nhân vật quyền lực số 2 của Anh quốc sau Thủ tướng Cameron lại đang vận động dân Anh ly khai.
Ngày 22-2 vừa qua, trước khi TT Obama công du Cuba và Nam Mỹ, TT Nga Putin điện đàm với Obama, xuống giọng khác thường, Nga Sô bảo đảm với Mỹ về cuộc ngưng chiến ở Syria. Nhưng bế tắc, điều kiện tiên quyết, TT Syria Al Assad, một là chưa có con bài nào thay thế. Hai nữa, Assad là đảng Ba'th mà đảng này là chế độ và quân đội Syria. Đảng Ba'th tổ chức và thống trị Syria từ thời Assad cha, từ năm 1958. Cơ cấu và tổ chức y như ĐCS Liên Xô cũ. Nếu đảng Ba'th vỡ, Nga Sô sẽ tay trắng ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ, cường quốc quân sự ở Nam Âu của NATO, đã chính thức tham chiến, bây giờ thêm Saudi Arabia. Saudi đưa qua 5 phản lực cơ F.15 đến biên giới bắc Syria và Thổ. Lại còn Iran, kẻ thù số một của Saudi và các nước Ả Rập Sunni và Thổ Nhĩ Kỳ Sunni. Putin đồng ý với Mỹ chỉ ngưng chiến giữa Syria Assad và các phe đối lập với Assad nhưng không đình chiến với Nhà nước Hồi giáo ISIS. Nhưng các phe đối lập liên tiếp tố cáo Nga chỉ đánh võ mồm tiêu diệt ISIS trong khi không quân và bộ binh Nga tiếp tục tấn công tiêu diệt các phe đối lập Assad. Còn Hoa Kỳ thì đang tập trung lực lượng tiêu diệt ISIS ở Libya, Saudi Arabia có thể nói đã thắng lớn ở Yemen, tiêu diệt phe Hồi giáo Houthi Shiites do Iran quân viện và tài viện. Nghiễm nhiên Saudi Arabia đang lãnh vai trò chính ở Trung Đông như một đại cường, lại liên minh với Ai CẬp cũng là một đại cường quân sự. Hoa Kỳ viện trợ cho Ai Cập 1.5 tỷ một năm từ thời TT Mobarack, trong đó 1.4 tỷ dành cho quân viện. Năm 2015, Hoa Kỳ đã có thể buông vai trò chính yếu ở Trung Đông để dồn về TBD - Á Đông mặc dầu Đệ Lục Hạm đội Mỹ vẫn trấn giữ Trung Đông, bản doanh đặt tại đảo quốc Bahrain, bên lề vùng vịnh Ba Tư (Persia).
Do Thái và Palestine vẫn tiếp tục chém giết lẫn nhau. Do Thái cương quyết không cho Palestine được độc lập, bất chấp nghị quyết của Đại hội đồng LHQ năm 2014 và 2015. Do Thái và Do Thái Mỹ đã và đang tìm nhiều cách cho chiến lược chuyển trục TBD - Á Đông của HP Obama. Tóm lại, ngọn lửa chiến tranh chưa bùng lên nhưng vẫn âm ỉ từ Đông qua Tây. Hai sức mạnh khó mà dập tắt nổi: Đó là cuộc chiến Hồi giáo Thánh chiến từ Taliban, Al Qaeda, Boko Haram đến ISIS. Thứ 2, sự hung bạo của TC, không bao giờ TC nhượng bộ bất cứ ai ở Biển Đông, gắn liền với ASEAN Nam Thái Bình Dương và Nam Á. Xin đừng ảo tưởng rằng, TC chịu thối lui. Có thể chỉ nhượng bộ, lùi một bước để nhảy vọt 2, 3 bước. Lùi và lùi giai đoạn. Chỉ có nổ súng. Chiếm đoạt Biển Đông, mạo nhận là chủ quyền lịch sử từ thời cổ đại. Đó là quốc thể của TC. Đó là chiến lược sinh tồn của Đại Hán bành trướng. Xin được hơn một lần lập lại ở đây.
Tham vọng của Mao từ thời còn ở chiến khu Diên An "phải lấy lại đất cũ của TQ mà đế quốc Tây phương đã chiếm của TQ" từ Nam Hải qua Eo Malacca đến Ấn Độ Dương và Nam Á. Đông Nam Á là một thông lộ huyết mạch. "Nam Hải là của TQ". Mao khẳng định từ năm 1949, chiếm trọn Hoa Lục. Nếu lờ Biển Đông có nghĩa là đầu hàng, phá sản. Lúc nào cũng như lúc nào TC vẫn giương danh bảo vệ hòa bình, an ninh vùng trời vùng biển Nam Hải, gần 90% diện tích thuộc chủ quyền TC, nghĩa là đường giao thông quốc tế "5000 tỷ $US hàng hóa mỗi năm" nằm gọn trong "vùng biển TQ"! Cứ như thế là một điệp khúc bất tận gắn chặt với chủ nghĩa dân tộc Đại Hán - Đại dương Nam tiến. Tham vọng của Mao Trạch Đông bao trùm từ Đông Nam Á đến Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Phải đánh bật "đế quốc da trắng xâm lược" ra khỏi Thái Bình Dương. Như tôi đã trình bày trên mục này, chủ nghĩa Đại Hán đúng hơn là chủ nghĩa Chủng tộc Đại Hán như kiểu Hitler đã thành ý thức hệ Đại Hán sinh tồn bành trướng. Quốc kỳ của nước CHND Trung Hoa "ngũ tinh" hay "ngũ tộc cộng hòa" Hán, Tạng, Hồi, Mông, Mãn chính là quốc kỳ Đại Hán (đánh cắp rồi xuyên tạc mạo nhận lý tưởng cao quí của Tôn Dật Tiên, Trung Hoa Dân Quốc, 56 dân tộc thiểu số ở Hoa Lục gom làm một ngôi sao chủ thể Hán tộc).
Tôi dài dòng lập lại như trên để xin nói rõ, không có vấn đề TC lui ở Biển Đông. "Bất khả tranh biện", nghĩa là không có vấn đề nhượng bộ, thương thuyết, chỉ duy nhất có một con đường "Nam Hải là của TQ", lưỡi bò, thì cũng vậy. Với TC, đó là vấn đề một mất một còn, "vấn đề quốc gia". Từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình, nhất quán là như thế, nói theo chữ nghĩa của TC.
ĐÁNH! ĐÁNH VÀ ĐÁNH
Ngày 8-1-2016, Tập Cận Bình gặp TT Đài Loan Mã Anh Cửu ở Tân Gia Ba, có phải chỉ bàn về thống nhất TQ không? Có phải chỉ bàn về hợp tác toàn diện về mậu dịch không? Theo tin từ Tân Gia Ba, không phải như thế. Mục đích chính yếu của Tập Cận Bình là thuyết phục, là kéo Đài Loan cùng một quan điểm "lịch sử" cùng một hướng đi với Bắc Kinh về biển đảo Nam Hải hay South China sea thuộc về "Tổ quốc Trung Hoa", Đài Loan và Bắc Kinh cùng bán đảo Ba Bình mà Đài Loan đang trấn đóng cũng như Gạc Ma, đảo Chữ Thập v.v... là biển đảo chung của một Nam Sa (tức Trường Sa) là chủ quyền của Tổ quốc Trung Hoa. Tập Cận Bình thất bại, Mã Anh Cửu không còn thẩm quyền quyết định. Vả lại đây không phải là lập trường của Đài Loan từ thời Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc.
Với TC, chỉ có đánh! Đánh và đánh! ĐCSTH đã chuẩn bị, đang chuẩn bị đánh ít nhất từ thập niên 1980. Mỹ liên tiếp tố cáo TC quân sự hóa Biển Đông. Mỹ đã biết rõ điều đó từ năm 1974 khi Mao Trạch Đông điều động các chiến hạm đánh chiếm Hoàng Sa của VN (ngày 19-1-1974), TC gọi là Tây Sa. Rồi từ bấy giờ đến nay, có lúc nào TC ngưng các hoạt động và phát triển quân sự là căn bản. Vả lại, theo hệ thống cơ chế, Hoàng Sa và Trường SA của VN, South China Sea nói chung thuộc toàn quyền của bộ Quốc phòng TC và Tổng Quân ủy QĐGPQ - TC. Vậy, không quân sự hóa thì là dân sự hóa chăng? Từ năm 2013 trở lại đây, Hoa Kỳ mới đặt thành vấn đề với danh nghĩa "tự do lưu thông quốc tế". Báo chí Mỹ đặt tên mới rất cụ thể "Con đường 5000 tỷ $US"! Đơn giản mà là rất cốt yếu con đường 5000 tỷ $US gắn liền với chiến lược chuyển trục của HP Obama đúng hơn của Uncle Sam. Nay lại gắn chặt với Hiệp ước Tự do Mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP, bây giờ lại cộng chung với Cộng đồng kinh tế ASEAN. Mặc nhiên trong thực tại, thực tế Hoa Kỳ dẫn đầu, đã đối đầu trực tiếp với Trung Cộng! Cuộc đối đầu ấy lại liên quan kết hợp như xương da, tim và máu với kinh tế mậu dịch. Lẽ tự nhiên sẽ có ngày "nổ tung" vì không bên nào chịu bên nào! Khi hải quân Hoa Kỳ điều động HKMH nguyên tử Donald Reagan, Đệ Lục hạm đội qua Nam TBD, đó là một dấu hiệu rõ nhất. Khi Hoa Kỳ đặt căn cứ hải quân ở Tân Gia Ba, chắc chắn Bắc Kinh đã hiểu chiến lược của Mỹ. Mới đây, tuần trước thượng viện Phi Luật Tân đồng thuận với TT Aquino dành cho Ngũ Giác Đài Mỹ sử dụng 6 căn cứ ở Phi, trong đó có căn cứ KQ Clark nổi tiếng thời chiến tranh VN (Clark field, gần Manila).
Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN vừa bế mạc với thông cáo chung đề cập đến Biển Đông, VN và Phi hăng hái nhất, Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp yêu cầu TT Obama có hành động mạnh mẽ và cụ thể về Biển Đông.
Ngay hôm sau, 17-2, TC đã bố trí xong cả giàn phóng hỏa tiễn "địa đối không" trên đảo Phú Lâm, Vĩnh Hưng... Hoàng Sa. Nghĩa là, máy bay lạ bay qua vùng trời Hoàng Sa, hỏa tiễn "địa đối không" của TC sẽ phóng lên ngay.
http://pppre.s3.amazonaws.com/3374793288e5880f/b/f684f2a67a4640dd8b48686f8a387b2f.jpg
hỏa tiễn "địa đối không" của TC
Trong cuộc hội đàm Obama và Tập Cận Bình ở phòng Bầu dục tòa Bạch ốc ngày 25-9-2015, họ Tập hứa chắc với TT Hoa Kỳ, TC sẽ ngưng xây cất đảo nhân tạo trên Biển Đông đồng thời ngưng ngay mọi hoạt động quân sự trên Biển Đông. Vừa rời Mỹ được hơn một tuần lễ, trong chuyến công du Hà Nội ngày 5 và 6-1, họ Tập lại nhắc đi nhắc lại và nói trống không trước thềm phủ chủ tịch VNCS bên cạnh CT Trương Tấn Sang rằng: "Một hành lang, một con đường", tức thiết lập hành lang Biển Đông (từ lãnh hải VN) và "con đường tơ lụa" Biển Đông - ĐNA qua eo biển Malacca vào Ấn Độ Dương và một đường khác xuôi Nam xuống tận Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Ngày 7-1, họ Tập xuống Tân Gia Ba sống với ảo vọng TGB là một "điểm Trung quốc" ở ĐNA! Ngày 8-1, họ Tập gặp riêng TT Đài Loan Mã Anh Cửu, thuyết phục họ Mã "chung một tổ quốc Tàu ở South China Sea", tên gọi như thế thì chủ quyền của nước Tàu phải như thế, "chủ quyền lịch sử từ thời cổ đại. TC tiếp tục ""sự nghiệp" như đã hoạch định! Nghĩa là cắm mốc biên giới, lập căn cứ quân sự để bảo vệ "hòa bình" và chủ quyền lịch sử của TQ",lập lại tôn chỉ "bất di bất dịch và bất khả tranh biện" (ngôn ngữ quen thuộc của nhật báo China Daily và The Global Times).
Sau khi đặt các bệ phóng hỏa tiễn "địa đối không" trên đảo Phú Lâm và Vĩnh Hưng, quần đảo Hoàng Sa của VN, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh được lệnh giải thích: "TQ thiết trí (hỏa tiễn) ở Tây Sa - Nam Sa (Trường Sa) thì cũng như Hoa Kỳ thiết trí trên Hawaii". Thản nhiên biện luận như thế như lý luận cù nhầy trơ trẽn từ thời CT Giang Trạch Dân! Báo chí và truyền thông Manila và Kuala Lumpur phản ứng lại, mỉa mai "TQ sáng tác một khoa triết học luận lý mới" (new logics). Hawaii là một tiểu bang của Liên bang Mỹ, không tranh chấp chủ quyền với nước nào, còn Biển Đông thì hoàn toàn khác với đường Lưỡi Bò cửu tuyến TC tự khoanh vạch chiếm trên 85% diện tích Biển Đông của các nước VN, Phi, Brunai, Mã Lai Á. Đảo Thomas thuộc chủ quyền của Mã Lai, cách bờ biển Mã 30 km (có tài liệu ghi là 13 km), nay TC tự khoanh vạch đặt đảo Thomas là đảo của TC! Đông Nam Á, một cách riêng, và LHQ nói chung đang chờ phán quyết của tòa hòa giải quốc tế The Hague. Đến nay, đơn từ Amtesdam, Hòa Lan, cho biết, Bắc Kinh chưa đệ nạp cho tòa này một tài liệu nào, ngoại trừ duy nhất bản công hàm của Phạm Văn Đồng gửi TT Chu Ân Lai năm 1958 công nhận "12 hải lý" trong bản công bố chủ quyền biển của TC.
BẠCH THƯ CỦA ÚC ĐẠI LỢI
Nhằm vào dịp Thượng đỉnh ASEAN Viên Chăn, chính phủ Úc Đại Lợi vừa công bố Bạch thư quốc phòng nghiêm khắc cáo giác về Biển Đông và Trung Cộng đã đe dọa nghiêm trọng đến tự do giao thương quốc tế, vùng viển và vùng trời. Và rằng nền hòa bình trong khu vực đã bị đe dọa. Úc Đại Lợi qua Bạch thư đã biểu đồng tình hoàn toàn với Hoa Kỳ về chiến lược, quan điểm và lập trường về Biển Đông mà Úc tự coi là thiết thân với Úc, an ninh ĐNA và Á châu. Úc chưa từng bày tỏ thái độ nghiêm khắc như vậy, Úc chưa từng cáo giác TC trực tiếp như vậy với ngôn ngữ cứng rắn và trực diện đối với Bắc Kinh như vậy. Chính phủ Úc tái xác nhận hợp tác quân sự với Hoa Kỳ vì hòa bình và an ninh chung. Úc sẽ hành động và ứng xử như Hoa Kỳ về an ninh khu vực và toàn diện TBD - Á châu, Úc nói thẳng Úc theo đường lối chiến lược cũng như Hoa Kỳ.
Theo báo chí Hồng Kông, TC bị một cú "trực quyền choáng váng, bất ngờ". Cả Á châu, nhất là ĐNA đều bất ngờ trước sự đối đầu mãnh liệt và nêu đích danh TC của Úc. Tức khắc liên tiếp 2 ngày 25 và 26-2, phát ngôn viên bộ ngoại giao TC phản ứng, yêu cầu Úc không nên theo Hoa Kỳ. Nói chung, Bạch thư của Úc cũng là một bản cáo trạng cáo giác TC về hiện trạng Biển Đông mà Bắc Kinh chính là kẻ đã vi phạm quyền tự do lưu thông quốc tế, đe dọa an ninh khu vực.
Tại sao Úc lại công bố Bạch thư trực diện và cương quyết vào lúc này đối với TC sau thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở Sunnylands, Nam Cali, Hoa Kỳ, và lại trùng hợp với thượng đỉnh ASEAN ở Viên Chăn, Lào quốc? Đặc biệt nội dung cáo giác TC trong Bạch thư của Úc lại cùng một quan điểm, lập trường như Thông cáo chung của Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ngày 16-2 và Thông cáo chung của Thượng đỉnh ASEAN, Viên Chăn vào ngày 26-2 vừa qua.
SỨC MẠNH CỦA TC
Bạch thư của Úc phổ biến cùng thời gian Giám đốc Trung ương Tình báo Hoa Kỳ Clapper, một nhà tình báo lão thành ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ về tình hình Nga-Hoa phát triển vũ khí "chiến tranh mạng". Theo Clapper, Nga Sô và Trung Cộng tiếp tục theo đuổi những chương trình (vũ khí) mạng vững vàng nhất (Russia and China continue to have the most sophisticated cyber programs), và được biết Trung Cộng đang thực hiện các công tác tình báo mạng nhắm vào các công ty Mỹ và chính phủ Hoa Kỳ.
Liên phái đoàn tình báo hùng hậu nhất thay phiên nhau trình bày trước UB Tình báo, ngòai ông giám đốc TBQG Clapper còn có các ông trùm nặng ký như Giám đốc CIA John Brennan, GĐ FBI James B. Comey, Trung tướng TQLC Vincent Stewart, Giám đốc Tình báo quốc phòng (DIA). Các phái đoàn còn điều trần trước UB Quân vụ thượng viện, đặc biệt nhắm vào 4 chủ đề:
- . Vũ khí và chiến tranh mạng của Nga Sô và TC.
- . Nguyên tử Bắc Hàn và khủng bố Hồi giáo và ISIS.
Nhưng TC lại là chính yếu rồi đến Nga Sô (xem: The Washington Times, Feb. 10-2016). Tôi đọc báo tường thuật của Wash. Times và The Wash. Post cùng ngày không khỏi kinh ngạc trước guồng máy chiến tranhvà chương trình chiến tranh mạng khủng khiếp của TC. Dưới thời Tập Cận Bình theo di sản di ngôn của Mao Trạch Đông, TC không phải chỉ bằng Mỹ mà sẽ vượt Mỹ về vũ khí và sức mạnh quân sự siêu cường! (Peking desires that China would not only be a superpower equal to the USA but over, over USA). Thời Hồ Cẩm Đào, ĐCSTH dự trù, dự phóng TC sẽ vượt Mỹ lên ngôi số một toàn cầu vào năm 2030. Và TC sẽ vượt Mỹ thành một siêu cường số một (one superpower) vào năm 2050. Và theo di ngôn Mao, chừng ấy (2050) phải loại Mỹ khỏi Á Đông - TBD.
Do vậy, một mặt TC phát triển hải quân Nam tiến theo một tốc lực, một mặt đặt bộ tư lệnh hỏa tiễn chiến lược nhắm tiêu diệt HKMH di hành trên biển. Theo cuộc điều trần của Trung ương tình báo Mỹ, TC vẫn tiếp tục canh tân và sản xuất bom và đầu đạn nguyên tử với hỏa tiễn liên lục địa có thể bắn xuống bất cứ nơi nào trên đất Mỹ, ngoại trừ Florida. TC sắp đóng xong HKMH Đại Liên, dự trù đóng 4 HKMH. Dự trù quân cảng Tam Á (đảo Hải Nam) sẽ thiết trí các giàn hỏa tiễn tầm xa liên lục địa có thể bắn xuống Nam Úc, Tân Tây Lan và Tam Á sẽ là nơi thường trú của HKMH mới của hạm đội Nam Hải.
Dù vậy, TC vẫn phát khiếp, phát sợ nếu Hoa Kỳ đặt các giàn phi đạn lá chắn ở Nam Hàn, các giàn lá chắn chống hỏa tiễn sẽ đe dọa trực tiếp Hoa Lục. Mặc dù Do Thái đã bán cho TC các giàn hỏa tiễn phá hỏa tiễn địch như Patriot mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Do Thái.
Do có đủ dữ kiện tình báo, bộ Quốc phòng Úc hành động đúng lúc, kịp thời: Bạch thư là những lời cáo giác TC mạnh mẽ nhất, nghiêm cẩn nhất (bàn thêm vào dịp tới). Bão lửa Biển Đông có thể nổ vang rền vào bất cứ lúc nào trong một tương lai gần.
HÀ NHÂN VĂN