Vaclav Havel * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Sau
khi Cách mạng Nhung thành công, Vaclav Havel trở thành tổng thống Tiệp
Khắc. Hai tháng sau ông đọc diễn văn trước Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ.
Chúng tôi trích dịch phần sau bài diễn văn này. Tựa đề của người dịch.
*
Tôi làm tổng thống chỉ mới hai tháng, và tôi đã không theo học trường
lớp đào tạo tổng thống nào. Trường học duy nhất của tôi chính là trường
đời. Vì thế, tôi không muốn làm phiền quý vị nữa với quan điểm chính trị
của mình, mà thay vì thế tôi sẽ chuyển sang lĩnh vực gần gũi hơn với
tôi, sang điều tôi muốn gọi là khía cạnh triết học của những thay đổi mà
mọi người vẫn còn quan tâm ấy mặc dù chúng đang diễn ra ở đất nước xa
xăm của chúng tôi.
Chừng nào con người là con người, dân chủ theo ý nghĩa trọn vẹn của từ
này sẽ mãi mãi vẫn chỉ là lý tưởng; ta có thể tiến đến gần lý tưởng ấy
như ta tiến đến gần chân trời, theo những cách có thể tốt hơn hay tệ
hơn, nhưng ta không bao giờ có thể hoàn toàn đạt đến lý tưởng ấy. Theo
nghĩa này quý vị cũng chỉ đang tiến đến gần dân chủ. Giống như những
nước khác, quý vị cũng có hàng ngàn vấn đề đủ loại. Nhưng quý vị có lợi
thế rất lớn: quý vị đã và đang không ngừng tiến đến gần dân chủ trong
suốt hơn 200 năm, và cuộc hành trình về hướng chân trời ấy của quý vị
chưa từng bao giờ bị gián đoạn bởi chế độ toàn trị. Dù truyền thống nhân
văn của họ có từ thiên niên kỷ thứ nhất nhưng Czech và Slovak tiến đến
gần dân chủ chỉ trong hai mươi năm, giữa hai cuộc thế chiến, và bây giờ
trong ba tháng rưỡi kể từ ngày 17 tháng Mười Một năm ngoái.
Lợi thế quý vị có so với chúng tôi thấy rõ ràng ngay.
Chế độ toàn trị cộng sản đã để lại cho hai nước chúng tôi, Czech và
Slovak, cũng như tất cả các nước ở Liên Xô, và các nước khác mà Liên Xô
đã nô dịch dưới thời của nó di sản vô số những người chết, chuỗi dài đau
khổ vô tận của con người, kinh tế hoàn toàn suy sụp, và nhất là sự tủi
nhục vô cùng lớn của con người. Chế độ đã mang đến cho chúng tôi biết
bao kinh hoàng mà may mắn thay quý vị đã không biết đến.
Đồng thời, tuy vô tình, tất nhiên chế độ cũng cho chúng tôi điều tích
cực: khả năng đặc biệt để đôi lúc nhìn hơi xa hơn người đã không trải
qua kinh nghiệm cay đắng này. Người mà không thể nào đi lại và sống cuộc
đời bình thường vì y bị tảng đá lớn đè có nhiều thời gian suy nghĩ về
bao hy vọng của mình hơn người không bị rơi vào hoàn cảnh như thế.
Điều tôi muốn nói là thế này: Tất cả chúng tôi đều phải học hỏi rất
nhiều điều từ quý vị, từ cách giáo dục con cái, cách bầu các dân biểu,
cho đến cách tổ chức hoạt động kinh tế để từ đấy đưa tới thịnh vượng chứ
không phải bần cùng. Nhưng không phải chỉ sự giúp đỡ từ những người học
cao, những người quyền thế và những người giàu có cho người không có gì
cho lại.
Chúng tôi cũng có thể cho lại quý vị: kinh nghiệm của chúng tôi và kiến thức phát xuất từ kinh nghiệm ấy.
Đây là chủ đề cho nhiều cuốn sách, trong số ấy nhiều cuốn đã được viết và nhiều cuốn chưa được viết.
Kinh nghiệm cụ thể tôi đang đề cập đến đã cho tôi niềm xác tín lớn lao: Ý
thức có trước Tồn tại, chứ không phải ngược lại như chủ nghĩa Marx
tuyên bố.
Vì lý do này, sự cứu khổ của thế giới con người này không nằm ở đâu khác
hơn ở trong tim người, trong sức mạnh suy tư của con người, trong sự
khiêm tốn của con người và trong trách nhiệm của con người.
Không có cuộc cách mạng toàn cầu trong lĩnh vực ý thức con người thì sẽ
chẳng có thay đổi gì tốt hơn trong lĩnh vực tồn tại với tư cách con
người của chúng ta, và thế giới này tất đi đến tai họa không thể nào
tránh khỏi, cho dù tai họa ấy thuộc về sinh thái, xã hội, dân số hay sự
sụp đổ nói chung của nền văn minh. Nếu chúng ta không còn bị đe dọa bởi
thế chiến hay bởi nguy cơ là những núi vũ khí hạt nhân chồng chất phi lý
biết đâu sẽ nổ tung thế giới, thì điều này không có nghĩa chúng ta đã
thắng chắc chắn. Thật ra chúng ta hoàn toàn không đạt đến chiến thắng
chắc chắn.
Chúng ta vẫn còn cách rất xa “gia đình nhân loại” ấy; thật ra thay vì
đến gần gia đình lý tưởng ấy chúng ta dường như đang xa dần nó. Đủ mọi
loại quyền lợi: quyền lợi cá nhân, ích kỷ, nhà nước, dân tộc, nhóm và,
tất nhiên công ty vẫn quan trọng hơn rất nhiều quyền lợi thật sự chung
và toàn cầu. Chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng của niềm tin tai hại và
hoàn toàn ảo tưởng rằng con người là đỉnh cao của sáng tạo, mà không chỉ
một phần của sáng tạo, và vì thế mọi thứ đều được cho phép. Có nhiều
người còn nói họ không quan tâm đến bản thân mà quan tâm đến sự nghiệp
chung, mặc dù họ rõ ràng chỉ mưu cầu cho bản thân chứ hoàn toàn không
cho sự nghiệp chung. Chúng ta vẫn đang tàn phá hành tinh đã được phó
thác cho chúng ta, và môi trường hành tinh. Chúng ta vẫn nhắm mắt làm
ngơ trước bao xung đột xã hội, sắc tộc và văn hóa ngày càng tăng trên
thế giới. Thỉnh thoảng chúng ta nói xã hội kỹ thuật tẻ nhạt chúng ta tạo
ra cho mình không còn phục vụ chúng ta nữa mà nô lệ chúng ta, tuy nhiên
chúng ta vẫn không làm gì về chuyện này.
Nói cách khác, chúng ta vẫn không biết cách đặt đạo đức trước chính trị,
khoa học và kinh tế. Chúng ta vẫn không thể hiểu rằng nếu tất cả các
hành động của chúng ta hợp với đạo đức thì nền tảng thật sự duy nhất cho
tất cả các hành động ấy chính là trách nhiệm. Trách nhiệm với cái gì
đấy cao hơn gia đình tôi, tổ quốc tôi, công ty tôi, sự thành đạt của
tôi. Trách nhiệm với trật tự Tồn tại, nơi tất cả các hành động của chúng
ta đều được ghi lại vĩnh viễn và nơi, và chỉ nơi ấy chúng sẽ được phán
xét đúng đắn.
Người thông dịch hay người trung gian giữa chúng ta và quyền lực cao hơn
này là điều mà từ xưa đến nay thường được đề cập đến như là lương tâm
con người.
Nếu tôi đặt hành vi chính trị của mình dưới quyền của mệnh lệnh lương
tâm này, tôi không thể nào đi quá sai. Ngược lại nếu tôi không được
tiếng nói lương tâm này hướng dẫn thì ngay cả mười trường đào tạo tổng
thống với 2.000 nhà khoa học chính trị giỏi nhất trên thế giới cũng
không thể nào giúp được tôi.
Vì vậy sau một thời gian dài chống lại cuối cùng tôi quyết định chấp nhận gánh vác trách nhiệm chính trị.
Tôi không phải là trí thức đầu tiên và cũng chẳng phải là trí thức cuối
cùng nhận lấy trách nhiệm này. Trái lại, tôi tin thời nào cũng sẽ có
càng nhiều trí thức như vậy. Nếu hy vọng của thế giới nằm ở ý thức con
người, thì rõ ràng rằng trí thức không thể nào mãi mãi tránh phần trách
nhiệm của mình đối với đời và che giấu sự chán ghét chính trị của họ
dưới nhu cầu được tuyên bố là độc lập.
Thật là dễ dàng có sự độc lập trong chương trình của mình và rồi để cho
những người khác thực hiện chương trình ấy. Nếu mọi người nghĩ như thế,
chẳng bao lâu sẽ không có ai độc lập.
Tôi nghĩ người Mỹ nên hiểu cách suy nghĩ này. Há chẳng phải những đầu óc
lỗi lạc nhất của nước quý vị, những người quý vị có thể gọi là trí
thức, những người đã thảo ra Tuyên ngôn Độc lập lừng danh của quý vị,
Tuyên ngôn Nhân quyền của quý vị và Hiến pháp của quý vị và trên hết
cũng là những người tự mình gánh vác trách nhiệm áp dụng chúng vào thực
tế? Người công nhân thuộc quận Branik ở Prague, người đã được tổng thống
quý vị nhắc đến trong Thông điệp Liên bang vào năm này, hoàn toàn không
phải là người duy nhất ở Tiệp Khắc, chứ đừng nói trên thế giới, được
khích lệ bởi các văn kiện vĩ đại này. Chúng khích lệ tất cả chúng ta.
Chúng khích lệ chúng ta dù chúng đã hơn 200 tuổi. Chúng khích lệ chúng
ta hãy trở thành công dân.
Khi Thomas Jeferson viết “Nhân dân lập ra chính quyền và đồng thuận ban cho chính quyền quyền lực hợp pháp”, đấy là hành động đơn giản nhưng quan trọng của tinh thần con người.
Tuy nhiên điều ban ý nghĩa cho hành động ấy chính là sự thật là tác giả
đã suốt đời ủng hộ hành động ấy. Không chỉ bằng lời nói của ông mà cũng
bằng hành động của ông.
Tôi sẽ kết thúc nơi tôi bắt đầu. Lịch sử đã tăng tốc. Một lần nữa tôi
tin rằng chính tinh thần con người sẽ nhận thấy sự tăng tốc này, đặt tên
cho nó, và biến những lời ấy thành hành động.
Nguồn:
Trích dịch từ bài diễn văn của Vaclav Havel trước Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 21/2/1990.