Người tù xuyên 2 thế kỷ Huỳnh Văn Nén. Hình Vietnamnet |
Mẹ Nấm (Danlambao)
- Báo Pháp Luật TP dẫn ý của nguồn tin riêng cho biết TAND tỉnh Bình
Thuận đã có cuộc họp kiểm điểm với các thẩm phán và hội thẩm nhân dân
trong HĐXX sơ thẩm xử vụ án giết người, cướp và hủy hoại tài sản đối với
“người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén. (*)
Đây là một vụ án tốn nhiều giấy mực của báo chí, mà nạn nhân chính là ông Nén phải trải qua 17 năm tù ròng rã.
Sau khi được minh oan nhờ các luật sư có tâm huyết và các nhà báo kiên
trì theo đuổi thông tin, ông Huỳnh Văn Nén đã có đơn bổ sung gửi Viên
Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu khởi tố hình sự 14 cá nhân về các hành
vi: Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, truy cứu trách nhiệm hình sự
người không có tội, ra bản án trái pháp luật, dùng nhục hình, bức cung,
làm sai lệch hồ sơ vụ án…
Lý do đưa ra việc phê bình HĐXX sơ thẩm được TAND tỉnh Bình Thuận “cho
rằng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Huỳnh Văn Nén đã khai nhận toàn bộ
hành vi như kết luận điều tra và cáo trạng quy kết; ông Nén không kêu
oan mà luôn tự nhận mình là thủ phạm. Cạnh đó, khi bản án hình sự sơ
thẩm đã có hiệu lực pháp luật, ngày 4-7-2001, TAND Tối cao cũng đã có
văn bản do bà Đặng Thị Thanh - Phó Chánh tòa Hình sự lúc ấy - ký trả lời
khiếu nại của ông Huỳnh Văn Truyện (cha ông Nén). Văn bản này cũng
khẳng định: “TAND Tối cao xét thấy không có căn cứ để kháng nghị theo
thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm nói trên”. (*)
Oan sai chồng chất vì không có ai chịu trách nhiệm?
Ông Nén không kêu oan và tự nhận mình là thủ phạm nên không có ai bị xử lý?
17 năm tù của một công dân như Huỳnh Văn Nén là kinh nghiệm rút ra cho bao nhiêu vị thẩm phán, hội thẩm trong tương lai?
Bản kiểm điểm và kinh nghiệm mà TAND tỉnh Bình Thuận rút ra sau vụ án
oan sai thế kỷ sẽ không bao giờ có hiệu quả bởi chính ông Huỳnh Văn Nén
vẫn đang phải lặn lội đi tìm công lý cho bản thân sau khi ra khỏi nhà
tù.
Từ xưa đến nay, như một quy luật bất biến, người dân Việt Nam luôn là
những người cặm cụi đi sửa sai giúp nhà cầm quyền. Và lắm lúc, người dân
phải biết ơn nhà cầm quyền vì họ đã chịu sửa sai.
Hôm qua Huỳnh Văn Nén, hôm kia Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, rồi nhiều
người khác bị bắt oan, bị ép cung và bị bịt miệng trước hệ thống pháp
luật chằng chịt rối rắm. Thậm chí cả những người đi khiếu kiện oan sai
như dân oan Nguyễn Văn Thông... bị ghép vào tội "lợi dụng quyền tự do
dân chủ"... Bao nhiêu kinh nghiệm được rút ra từ tuổi trẻ, cuộc đời của
những người bị oan sai?
Tuổi trẻ, tương lai và cuộc đời của những công dân oan sai như ông Huỳnh
Văn Nén, sẽ chỉ là một bài học kinh nghiệm của hệ thống tư pháp còn lắm
bất cập của Việt Nam.
Mọi người có thấy đau không?