6/3/16

Hãy cùng nhau xây dựng mùa Xuân của Dân tộc - Đường ta ta cứ đi, quyền ta ta cứ làm!

Âu Dương Thệ (Danlambao) - Lấy khát vọng chính đáng của nhân dân làm động lực đấu tranh, lấy văn minh thời đại làm hướng đi, những người đân chủ VN đang dựng lên ngọn cờ Dân chủ đa nguyên trên quê hương VN mới, tự tin, vững bước hành xử các quyền chính đáng của mình như nhiều dân tộc văn minh đã thực hiện thành công. Nhân dân ta, đi đầu là trí thức, thanh niên và những đảng viên tiến bộ, bất phục và bất trọng những người cầm quyền bất chính, tha hóa đạo đức, độc ác với nhân dân, nhưng lại cúi đầu trước bọn bành trướng Bắc kinh. Vì thế nhiều giới đã dứt khoát bất tuân, quyết phá các rào cản chính trị, kinh tế, văn hóa và ngoại giao của chế độ độc tài toàn trị, đứng đầu hiện nay là Nguyễn Phú Trọng, để mở đường tiến lên Dân chủ đa nguyên, đất nước phú cường, gìn giữ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Tiếng gọi Đường ta ta cứ đi, quyền ta ta cứ làm là tiếng nói của lương tâm và mệnh lệnh của trí tuệ, là tiếng gọi yêu nước, phù hợp với qui luật phát triển của thời đại đầu Thế kỉ 21....

*

- Độc quyền của ĐCS là bất chính, bất hợp pháp!
- Nguyễn Phú Trọng không là giải pháp nhưng là trướng ngại lớn!
- Đường ta ta cứ đi!
- Quyền ta ta cứ làm!

*

Bác sĩ là chuyên viên về khoa học y học, có kiến thức về điều trị bệnh nhân, nhận ra được căn bệnh và chọn lựa phương pháp chữa trị thích hợp. Nếu sau một thời gian mà căn bệnh không giảm, hoặc trầm trọng hơn thì một bác sĩ có lương tâm phải xét lại phương pháp và thay đổi thuốc, kể cả việc chuyển bệnh nhân tới một bác sĩ chuyên môn khác. Đấy là một thầy thuốc có lương y, trọng đạo đức nghề nghiệp.

Trong sinh hoạt chính trị, một chính trị gia có kiến thức phải thấy được những mong đợi của nhân dân, các vận hội và nguy cơ của đất nước và phải biết đưa dân tộc tiến theo cùng trào lưu tiến hóa của thế giới văn minh. Một chính khách có lương tâm và biết quí lòng tự trọng dám nhận trách nhiệm trước những sai lầm; dám từ bỏ mục tiêu, đường lối không còn thích hợp; có can đảm từ chức, trả lại chính quyền để nhân dân tự quyết định. Một chính khách có kiến thức chính trị và lương tâm phải hiểu rằng, thời đại hiện nay chính quyền (nhà nước) không phải là sở hữu riêng của một cá nhân, một dòng họ hay một đảng như các thời kì phong kiến và độc quyền đảng trị. 

Thế giới đang bước vào kỉ nguyên mới với toàn cầu hóa về kinh tế, tài chánh và kĩ thuật, với thông tin điện tử nhạy bén, phổ cập và cơ cấu tổ chức xã hội theo những giá trị Dân chủ đa nguyên đã được thử thách và thành công ở rất nhiều nước trong mấy thế kỉ qua trong việc gây dựng hạnh phúc, bảo vệ phẩm giá của công dân và bang giao quốc tế… Trên các nền tảng này, việc xây dựng, điều hành và kiểm soát chính quyền là công việc chung, phải do nhân dân và chỉ do nhân dân quyết định, tuyệt đối không còn là chuyện riêng của một cá nhân hay một nhóm nào. Đây là một chân lí rút từ những cuộc tranh đấu và học hỏi kinh nghiệm của nhiều dân tộc qua nhiều thế kỉ và nó liên tục được hoàn chỉnh theo tiến trình của nhân loại. Phủ nhận những thành quả này của nhân loại là quay lưng với sự thật; chống đối nó chỉ như người lội ngược dòng, hoặc giả vờ vỗ ngực làm người dân chủ nhưng cốt chỉ để bấu xấu ăn bám sẽ bị lộ diện là những người độc tài ngụy dân chủ!

Các chính quyền không do nhân dân bầu cử tự do và trực tiếp đều là chính quyền độc tài hoặc ngụy dân chủ. Đó là chính quyền bất chính, bất hợp pháp. Vì vậy nhân dân có quyền đứng lên đấu tranh thành lập chính quyền mới đại diện cho mình. Quyền lập các tổ chức dân sự trong đấu tranh chính trị bất bạo động để tham gia vào các sinh hoạt chính trị và chống chế độ độc tài là quyền rất chính đáng được Hiến chương Liên hiệp quốc, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các Công ước quốc tế công nhận và khuyến khích.

Độc quyền của ĐCS là bất chính, bất hợp pháp!

Chính quyền hiện nay ở VN là chính quyền độc đảng, không do nhân dân trực tiếp và tự do bầu cử. Cho nên ĐCS đang cầm quyền bất chính, bất hợp pháp đối với nhân dân. Họ còn bất nhân với người dân qua chính sách đàn áp tàn bạo. Chẳng những thế giữa những người cầm đầu chế độ toàn trị còn đang quỉ quyệt tàn nhẫn "đối xử với nhau “lạnh tanh máu cá",(1) thanh toán nhau để giữ quyền. Như vậy họ còn bất nghĩa với nhau. Từ Hội nghị trung ương (HNTU) 4 (12.11) tới HNTU 14 và Đại hội (ĐH) 12 vào tháng 1.2016 là các đỉnh cao mới của sự sâu xé, giành giựt quyền và lợi tự vạch tư cách đạo đức giả, dân chủ cuội ngay giữa những người cầm đầu với nhau mà họ vẫn gọi nhau là „đồng chí“. Tàn bạo, lừa đảo, dối trá và ngụy biện cực kì trắng trợn trở thành tập quán suy nghĩ, thái độ cư xử và hành động của họ, không chỉ trong việc đối xử với nhân dân mà cả giữa họ với nhau. Họ đang đội lên đầu quyền và lợi (tiền của, dinh thự, đất đai), nhưng lại dẫm nát đạo đức, lương tri và luật pháp!

Sau những năm thảm bại, nên Nguyễn Phú Trọng đã dùng hai năm cuối của nhiệm kì đầu làm Tổng bí thư (TBT) để tìm cách phục thù Nguyễn Tấn Dũng. Tuy hô hoán dân chủ và tự đề cao là người không nuôi tham vọng quyền lực, nhưng ông Trọng và phe cánh đã tính kế, lập trận đồ bát quái dùng mọi quỉ kế thô bạo và tồi tệ nhất để ép Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương Khóa 11 giành riêng cho mình độc quyền là "trường hợp đặc biệt"(2) để được ngồi lại vào Trung ương Khóa 12, rồi dùng bùa mê áp lực và lợi lộc để trên 1500 đại biểu ĐH 12 "bầu" lại làm TBT vào cuối tháng 1.2016. Tuy là người chủ mưu sử dụng mọi thủ đoạn tàn bạo trắng trợn như vậy để đưa mình lên ngai vàng đứng đầu nhóm vua tập thể, nhưng khi ĐH 12 kết thúc Nguyễn Phú Trọng lại đóng kịch tuyên bố là, rất "bất ngờ" thắng cử cao như thế và "dân chủ đến thế là cùng!"(3) Trước đó ông Trọng còn hô hoán không để những người đã tha hóa đạo đức và nuôi tham vọng quyền lực được ứng cử và bầu cử vào Trung ương và Bộ chính trị. Nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn những gì ông Trọng tuyên bố. Từ 1994 -tức 22 năm- Nguyễn Phú Trọng đã ngồi trong Trung ương đảng và từ 1997 vào Bộ chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của chế độ toàn trị và còn là người cao tuổi nhất trong Bộ chính trị khóa mới (72t), vượt quá tuổi qui định theo Điều lệ đảng tới 7 năm!

Nếu so sánh những âm mưu và thủ đoạn đến mức độ quỉ kiệt, phản ảnh bản chất độc tài tàn bạo, chống lại cả Điều lệ đảng và chà đạp đạo lí này của Nguyễn Phú Trọng, với những lời tự khen, tự bốc của ông ta sau ĐH 12 như "bất ngờ", "dân chủ đến thế là cùng"… cho thấy tài đóng kịch của ông đã tới siêu đẳng. Như một kịch sĩ đóng vai hài hước kể về thói đời thật thật giả giả, lấy giả làm thực…Nhưng Nguyễn Phú Trọng không phải anh hề mà là một thủ lãnh của ĐCS và đứng đầu chế độ toàn trị. Ông đã lẫn lộn người làm chính trị chân chính và biết tự trọng với nghệ sĩ trên sân khấu làm trò vui chốc lát. Không những vậy, mở miệng nói những điều giả đối như thế trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi được tái cử TBT với sự có mặt của nhiều nhà báo quốc tế lại càng tỏ rõ, Nguyễn Phú Trọng đã không biết hổ thẹn. Một người đã đánh mất lòng tự trọng thì đừng trách là tại sao mình bị khinh bỉ! 

Ông ta đã khinh thường sự nhận xét của nhân dân VN và dư luận quốc tế. Điều này không đáng ngạc nhiên. Vì sau nhiều năm nắm độc quyền, thủ lãnh độc tài thường chủ quan nghĩ mình là thánh thật, nhất là sau một chiến thắng lớn như ở ĐH 12! Việc này không phải chỉ xẩy ra ở VN thời Nguyễn Phú Trọng mà đã xẩy ra ở hầu hết dưới các chế độ độc tài. Dư luận trong đảng và ngoài xã hội đang nói nhiều về trò hề dân chủ của nhà độc tài Nguyễn Phú Trọng đã thi thố để giành tiếp tục ghế TBT. Nếu ông Trọng hành nghề đóng kịch thì là một diễn viên khôi hài xuất sắc. Nhưng ông đã lẫn lộn hoạt động của một chính trị gia với công việc của một anh hề! Sự lẫn lộn này của Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một tai họa cho ĐCS mà còn là một thảm họa cho đất nước!

***

Nguyễn Phú Trọng không chỉ tự bốc là người đạo đức và không có tham vọng quyền lực, mà còn huyênh hoang tự khen là người lí luận hàng đầu của chế độ toàn trị. Là một nhà khoa bảng và đạt tới đỉnh quyền cao chức trọng, nhưng Nguyễn Phú Trọng đã không dùng kiến thức để làm lợi dân ích nước, ngược lại chỉ sử dụng kiến thức để phục vụ tham vọng quyền lợi ích kỉ cá nhân. Trong đó ông sẵn sàng dùng các trò tiểu xảo và ngụy khoa học, biến đen thành trắng, giả thành thực. Ông đạp lên tinh thần khoa học và lương tri đạo đức, bán đứng lương tâm để đổi lấy tham vọng quyền lực!

Các mưu kế và hành động ngụy khoa học để nắm độc quyền của Nguyễn Phú Trọng trong những năm gần đây có một số đặc điểm có thể tóm lược vào một số điểm chính là:

1. Bên ngoài đề cao những nguyên tắc chung, nhưng thực tâm lợi dụng nó làm lợi riêng cho mình và phe cánh.

2. Đội lốt các lí luận khoa học để lừa dối và mê hoặc người khác. 

Về điểm 1 thấy rõ nhất trong ý đồ mà Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng rất bài bản trong việc giành giựt quyền lực cho cá nhân mình, đó là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đấy là thiểu số phục tùng đa số. Nguyên tắc này vẫn được coi như là cái xương sống của chế độ toàn trị. Nhưng ở đây Nguyễn Phú Trọng và phe cánh đã không dùng thảo luận công khai, minh bạch, theo đúng nguyên tắc sinh hoạt dân chủ; trái lại đã dùng các thủ đoạn như áp lực, đe dọa và mua chuộc để cô lập đối thủ ngay trong Bộ chính trị, Ban bí thư và Trung ương đảng. Từ đó biến ý định của mình thành ý kiến của đa số, rồi buộc đa số phải theo – Cái gian dối cùng cực ở đây của ông Trọng là đã lươn lẹo dưới danh nghĩa "tập trung dân chủ" nhưng từng bước chuyển ngược lại, từ thiểu số phục tùng đa số thành đa số phục tùng thiểu số! Trong việc chuẩn bị ĐH 12 các quỉ kế này của Nguyễn Phú Trọng và phe cánh có thể thấy rõ từng bước trong nhiều quyết định, nổi tiếng nhất là Điều 13 của Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng do chính Nguyễn Phú Trọng kí cực kì phản dân chủ làm cơ sở cho việc bầu cử. Cấm các ủy viên Bộ chính trị không được ứng cử đề cử, mà chỉ dành quyền này độc quyền cho Bộ chính trị, mặc dù qui định này trái với Điều lệ đảng. Khoản 3 trong Điều 13 của Quyết định này ghi rõ: "Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị."(4)

Tiếp đó là chèn ép để buộc Bộ chính trị xếp Nguyễn Phú Trọng vào "trường hợp đặc biệt", mặc dù tuổi cao nhất, được bầu lại vào Ban chấp hành trung ương 12. Rồi tại ĐH 12 đã áp đặt ĐH phải công nhận Quyết định 244-QĐ/TW. Trong khi ngấm ngầm bày các thủ đoạn thâm độc từ hết HNTU này tới HNTU khác để giành độc quyền cho mình, nhưng bên ngoài ông Trọng lại giương cờ đánh trống đưa ra những tiêu chuẩn rất cao, rất đẹp trong việc chọn lựa nhân sự ở các cấp cao nhất, như không cho người đã tha hóa đạo đức và tham vọng chính trị vào Trung ương!

***

Thủ đoạn nổi tiếng gian xảo thứ hai của Nguyễn Phú Trọng là cách đội lốt các lí luận khoa học để đánh lừa và mê hoặc người khác. Để thuyết phục dư luận, Nguyễn Phú Trọng rất thích sử dụng lí luận "tam đoạn luận" theo cách bóp méo. Cách lí luận này nếu sử dụng đúng thì sẽ tìm ra kết luận logic. Nhưng nếu người sử dụng nó thiếu lương tâm thì là một tai họa. Nhiều phù thủy chính trị từ Đông sang Tây đã cố tình nhập nhoạng đưa ra các ngụy tam đoạn luận để lừa đối dư luận. Thí dụ nổi tiếng và chính xác về tam đoạn luận là:

Là người ai cũng phải chết
Socrates là người
Socrates phải chết

Hai vế đầu là hai tiền đề có tính cách chung "người" và vế thứ ba mang tính kết luận.

Đúng vào dịp ĐH 12 họp, Tạp chí CS đã giới thiệu tập sách của Nguyễn Phú Trọng trên 1000 trang gồm các diễn văn, viết báo và phỏng vấn trong năm năm 2011-15 ở nhiệm kì TBT thứ nhất. Tựa của sách đã được trình bày trên trang bìa với khổ chữ lớn theo thứ tự ba vế kiểu “tam đoạn luận” như sau:

Đảng vững mạnh
Đất nước phát triển 
Dân tộc trường tồn(5)

Sự chọn lựa đặt đảng lên đầu, thứ đến đất nước và dân tộc ở cuối theo kiểu như ba mệnh đề của tam đoạn luận không phải vô tình mà là có thâm ý của Nguyễn Phú Trọng. Đây là cố tình lạm dụng tam đoạn luận của Nguyễn Phú Trọng. Thâm ý ở đây là, Đảng phải vững mạnh thì đất nước mới phát triển và dân tộc mới trường tồn! Qua đó ông Trọng muốn quả quyết và cưỡng bức nhân dân phải tin là, Đảng phải độc quyền lãnh đạo tiếp tục thì đất nước mới phát triển và dân tộc mới trường tồn. Đây là cách cố tình nhập nhoạng và ngụy biện trong tam đoạn luận của ông Trọng để chứng minh cho một điều hoàn toàn không có thực. Điều phản khoa học và ngụy biện ở đây là, Nguyễn Phú Trọng đã đặt cái riêng (đảng CS) làm tiền đề cho hai cái chung (đất nước, dân tộc). Ông cố tình đảo lộn thứ tự trong một tam đoạn luận, đặt cái riêng lên làm vế đầu. Trong sinh hoạt chính trị hay đời sống hằng ngày nếu không tinh tế có thể chấp nhận dễ dàng tựa sách trình bày theo lối ngụy tam đoạn luận như trên! 

Nhưng nếu nghiêm túc phân tích thì thấy ngay, khi chọn lựa cái tựa sách của mình như vậy nhà khoa bảng Nguyễn Phú Trọng đã cố tình phản lại tinh thần khoa học và phủ nhận sự thực. ĐCSVN ra đời mới từ 1930 (86 năm), nhưng dân tộc và đất nước ta đã thành hình và phát triển từ mấy ngàn năm. Nghĩa là, trước đây khi không có ĐCS đất nước và dân tộc ta đã phát triển vững mạnh. Là Tiến sĩ Chính trị học và chuyên ngành về lịch sử đảng, nhưng Nguyễn Phú Trọng bị méo mó và mù quáng, chỉ thấy đảng mà không thấy dân tộc và đất nước. Không những thế, ông Trọng cũng thừa biết là, lối tam đoạn luận trên đây là giả dối và sai lầm, nhưng vẫn làm, như thế ông đã bán lương tâm khoa học cho "quỉ" quyền lực! Ngụy tạo lí luận khoa học vẫn được nhà phù thủy chính trị Nguyễn Phú Trọng làm rất bài bản trong nhiều dịp, gần đây nhất là trong Báo cáo chính trị-kinh tế ông nói trước ĐH 12 ngày 21.1.16(6). Đặt thứ tự đảng trước, nước sau, dân chót đã trở thành nền nếp của những người cầm đầu chế độ toàn trị. Sau khi nắm độc quyền quá lâu họ đã thay đổi tâm lí 180°, từ nhờ dân giúp đỡ và che chở nay hống hách ra lệnh và đàn áp dân! Nhưng vẫn trương khẩu hiệu: “Nhân dân làm chủ, đảng làm đầy tớ!”

Nguyễn Phú Trọng không là giải pháp nhưng là trướng ngại lớn!

Nguyễn Phú Trọng đã chiến thắng tại ĐH 12 và tiếp tục cầm đầu chế độ toàn trị. Nhưng chiến thắng này chỉ mang lợi cho cá nhân và phe cánh của ông. Chiến thắng của Nguyễn Phú Trọng không làm ĐCS mạnh hơn, ngược lại càng đưa đảng tới phân hóa trầm trọng hơn, gây nên tình trạng xứ quân. Chẳng những vậy, chiến thắng của Nguyễn Phú Trọng lại là trướng ngại rất lớn cho nhân dân và nguy cơ cho đất nước trên nhiều lãnh vực. Tại sao lại trái ngược và mâu thuẫn như vậy được? 

Theo dõi đường quan lộ của Nguyễn Phú Trọng trên hai thập niên từ khi là Ủy viên Ban chấp hành trung ương Khóa 7(7), leo vào Bộ chính trị (tại HNTU 4 Khóa 8 -22-29.12.97-, dịp Lê Khả Phiêu lên làm TBT), lên TBT từ 1.2011. Ông đã đảm nhiệm nhiều công tác quan trọng, như Tổng biên tập Tạp chí CS (91-96), phụ trách công tác tư tưởng-văn hóa và khoa giáo trung ương (98-00), Chủ tịch Hội đồng lí luận Trung ương (01-06), Bí thư thành ủy Hà nội (00-06), Chủ tịch Quốc hội (06-11), TBT kiêm Chủ tịch quân ủy Trung ương (tức Tổng tư lệnh quân đội) từ 2011. Nguyễn Phú Trọng đã từng là cánh tay mặt tham mưu cho các TBT Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh. Từ đầu 2011 trở thành người quyết định và chỉ đạo của chế độ toàn trị.

Mặc dù trong gần 20 năm Nguyễn Phú Trọng đã từng làm tham mưu trực tiếp cho hai TBT (1997-2010) và từ 2011 lên làm TBT là người quyết định và chỉ đạo trực tiếp các lãnh vực quan trọng như văn hóa-tư tưởng, chống tham nhũng, kế hoạch phát triển kinh tế, chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng. Nhưng ông Trọng đã không nghiêm túc rút tỉa những kinh nghiệm để đưa ra những chính sách mới có lợi cho nhân dân, đưa đất nước phát triển theo đúng dòng chảy văn minh thời đại của thế giới. Ngược lại, trong những lãnh vực làm thế nào bảo vệ được quyền lực cho cá nhân và phe nhóm thì Nguyễn Phú Trọng lại là người biết học những mánh lới và sẵn sàng bán lương tâm để thực hiện các thủ đoạn tàn bạo như tại ĐH 12 vừa qua. Xét về mặt tâm lí, việc này giải thích bản chất và cá tính cũng như động lực, động cơ thầm kín trong các hành động chính trị của Nguyễn Phú Trọng trong gần hai thập niên vừa qua.

Về chống tham nhũng: Ông Trọng đã giúp Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh trong phòng chống tham nhũng với kế hoạch nổi tiếng, như phong trào chống tham nhũng kéo dài suốt hai năm 5.1999/5.01, theo Nghị quyết của HNTU 6/2 Khóa 8 thời Lê Khả Phiêu. Trong đó có những biện pháp chính: “tự phê bình và phê bình rầm rộ”, “đảng viên và cán bộ phải khai tài sản” và Quyết định, "Cấm đảng viên không được làm" một số việc , hay “bảo vệ những người tố cáo tham nhũng”…Nhưng tất cả các biện pháp này đều thất bại hoàn toàn. Vì chế độ đảng trị triệt tiêu các phương tiện hữu hiệu ngăn ngừa tham nhũng: Không cho báo chí được thông tin tự do về các vụ tham nhũng, ngăn cấm các cá nhân và hội đoàn tố cáo tham nhũng, các cơ quan tư pháp trở thành nơi bảo vệ bọn quan tham nhũng. Các điển hình nổi tiếng như việc đàn áp và giam giữ những người đứng đầu "Hội Nhân dân VN chống tham nhũng" của nhiều đảng viên và trí thức tên tuổi, như Đại tá Phạm quế Dương, GS Trần Khuê, cô lập và đe dọa Trung tướng Trần Độ khi ấy; các hành động cấm báo chí thông tin và bắt giữ một số nhà báo trong các vụ tham nhũng nổi tiếng như Năm Cam (2001-03) và PMU 18 (2006-08)(8)

Nhưng khi làm TBT ông Trọng đã không nghiêm túc rút các kinh nghiệm thất bại trên lại còn củng cố chế độ độc đảng. Không những vậy, Nguyễn Phú Trọng lại chủ quan và tự phụ nên đã thực hiện chính sách chống tham nhũng rầm rộ hơn với đại phong trào tự phê bình và phê bình rộng lớn và lâu ngày nhất chưa từng có trong lịch sử cầm quyền của đảng, đòi Nguyễn Tấn Dũng phải chịu trách nhiệm về việc làm thất thoát trên 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD) trong vụ Tập đoàn Vinashin. Nguyễn Phú Trọng còn giành chức Trưởng ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng của Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng cuối cùng cũng phải chịu thất bại, Nguyễn Tấn Dũng vẫn giữ ghế Thủ tướng, Nguyễn Phú Trọng rỉ nước mắt và phải tuyên bố vuốt đuôi đánh chuột sợ vỡ bình "đánh chuột phải giữ lấy bình"(9). Tổ chức Minh bạch quốc tế cho biết, trong suốt thời gian làm TBT của Nguyễn Phú Trọng mức độ tham nhũng ở VN vẫn dẫm chân tại chỗ ở mức rất cao 112/168 nước. (10)

Về đường lối kinh tế: Vì đầu óc quá bảo thủ nên Nguyễn Phú Trọng không nhìn thấy được hai cái cổ chai đang làm tắc nghẽn kinh tế VN, khiến sau 30 năm đổi mới nhưng VN vẫn rơi vào tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và nay còn chạy sau cả Mên-Lào. Đó là đất đai vẫn thuộc quyền công hữu và Kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ông Trọng bảo thủ và ngoan cố đến độ phớt lờ quyết định của ĐH đảng. Trong Đại hội 11 (1.2011) có hai phương án về sở hữu đất đai đã được đưa ra thảo luận và biểu quyết. Phương án 2 "Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp" được đa số áp đảo với 895 phiếu đồng ý (65,04%). Phương án 1 của phe Nguyễn Phú Trọng chỉ được 472 phiếu đồng ý (34,3%), "Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu". Như vậy chủ trương "chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất" đã bị Đại hội 11 bác bỏ! "

Tuy nhiên, ngày 19.11.11 trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách Tổng bí thư, khi được hỏi về việc này Nguyễn Phú Trọng tuy nói là "chấp hành" quyết định của Đại hội, nhưng liền đó lại phủ nhận ngay và lươn lẹo bằng cách dùng cụm từ "duy trì kinh tế thị trường theo định hướng XHCN":

"Đại hội biểu quyết như thế nào thì chúng ta phải chấp hành, theo ý chí của toàn đảng nhưng không làm ảnh hưởng đến chính sách nhất quán của Việt Nam là xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước, duy trì kinh tế thị trường theo định hướng XHCN."(11)

Chính sách lươn lẹo về quyền sở hữu đất đai được Nguyễn Phú Trọng sử dụng tại các HNTU 5 và 6 (Khóa 11) và cuối cùng đã đòi ghi trong Hiến pháp 2013 là, đất đai vẫn "là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.” (12)

Chính việc duy trì chủ trương vừa bảo thủ vừa sai lầm này đã là nguyên nhân khiến cho trên 70% các vụ khiếu kiện của nhân dân liên quan tới đất đai không giải quyết được, tệ trạng lợi dụng chức quyền của bọn quan đỏ từ trung ương tới các địa phương để chiếm đất xây biệt thự bất hợp pháp ngày càng gia tăng. Như biệt thự nguy nga của cựu Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền (2014), vụ các đại gia chiếm đất rồi lại cho công an đánh nông dân biểu tình khiếu kiện tại nhiều tỉnh và thành phố, vụ cho hàng trăm công an Hải phòng chiếm đầm nuôi cá và đất đai của nông dân Đoàn Văn Vươn (2012) ở Tiên lãng. Mới đây nhất là vụ toa rập của các tham quan cho xây các nhà du lịch 4 sao “Le Mont Bavi Resort & Spa” trên diện tích 58 ha để đổi lấy 8 tỉ đồng ở Vườn Quốc gia Ba vì gần Hà Nội(13). Những vụ bị nổ ra này mới chỉ như phần nổi của tảng băng. Duy trì chính sách đất đai dưới quyền của đảng nên ông Trọng đã tạo ra tình trạng cha chung không ai khóc, để bọn quan đỏ ức hiếp nông dân chiếm đất làm tài sản riêng, chiếm nhà công, đất công thành nhà ông, đồng thời làm mất động lực cực kì quan trọng để nông dân phấn khởi trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn! (14)

Cái cổ chai thứ hai đang cản trở kinh tế VN phát triển là chủ trương quái gở Kinh tế thị trường định hướng XHCN mà chính bộ trưởng Phát triển và đầu tư Bùi Quang Vinh đã kết án: "Chúng ta không thể một mình đi một đường. Chúng ta phải đi con đường chung của nhân loại. Muốn đi con đường chung đó, chúng ta phải biết nhân loại đang làm gì, các quốc gia phát triển họ đi ra sao, và Việt Nam đang đứng ở đâu trong lộ trình này. Đấy là đòi hỏi thực tế, và cần kiến thức."(15)

Để giúp đảng có phương tiện và tiền bạc trong việc nuôi guồng máy độc tài khổng lồ để độc quyền, nên chủ trương này đã giành ưu tiên cho các Tập đoàn và Tổng công ti nhà nước nắm các lãnh vực kinh tế quan trọng, ưu đãi dùng tiền của ngân sách nhà nước, tùy tiện giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình… Trong một chế độ độc đảng lại áp dụng chế độ giành độc quyền cho các Doanh nghiệp nhà nước trong các lãnh vực kinh tế then chốt đang dẫn tới nhiều thảm trạng. Các tập đoàn và tổng công ti trở thành các ổ nuôi bọn quan đỏ tham nhũng, vì thế nạn tham nhũng đã bùng nổ như các đàn rươi các năm qua, như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhìn nhận. Giành đặc quyền đặc lợi cho các Doanh nghiệp nhà nước làm cho các nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng bị thủ tiêu, thành phần kinh tế tư nhân bị chèn ép, đang sống òi ẹp. Trong khi ấy các Tập đoàn và Tổng công ti được hưởng các ưu quyền nên đã biến thành các cơ quan hành chánh, hàng mấy trăm ngàn nhân viên làm việc theo lối công chức sáng vác ô đi tối vác về. Vì thế thay vì trở thành quả đấm thép kinh tế, như Nguyễn Tấn Dũng từng hứa, các Tập đoàn và Tổng công ti nhà nước làm ăn thua lỗ và đang tạo ra những số nợ khủng khiếp cho ngân sách công, mà cuối cùng nhân dân ta vẫn phải è cổ ra đóng thuế! Hậu quả cực kì tại hại nữa của chế độ Kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới chế độ độc đảng là dựng lên xã hội cá lớn nuốt cá bé, một nền kinh tế và pháp luật rừng rú như thời kì đầu của chủ nghĩa tư bản… Tuy thế Nguyễn Phú Trọng vẫn nài nỉ xin các nước Tây phương công nhận Kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền Kinh tế thị trường thực sự. Nhưng chẳng nước nào thèm nghe! Ngân hàng Thế giới dự báo, nếu VN không thay đổi thể chế thì kinh tế còn tụt hậu so với các nước trong khu vực.(16)

Trong tư tưởng-văn hóa-giáo dục: Nguyễn Phú Trọng là người bảo hoàng hơn vua, mặc dầu đỗ đạc Tiến sĩ Chính trị học -tức là đã được học về lịch sử chính trị thế giới từ thời thượng cổ tới hiện đại-, nhưng vẫn tôn thờ chủ nghĩa Marx-Lenin như Kinh thánh, không thấy được chủ nghĩa này đã sai lầm, bị thực tiễn phủ nhận và tan rã từ một phần tư thế kỉ, không thấy trào lưu tư tưởng của thế giới đã thay đổi triệt để từ lâu. Tại ĐH 12 ông Trọng vẫn như cóc ngồi đáy giếng, ngoan cố hò hét, "con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử".(17) 

Đòi giữ độc quyền, nên dưới thời Nguyễn Phú Trọng các biện pháp kìm kẹp tư tưởng, bịt miệng báo chí và bẻ cong ngòi bút của các nhà báo, chụp mũ và khủng bố các trí thức dân chủ và đảng viên tiến bộ là kim chỉ nam hoạt động của Ban Tuyên giáo trung ương và bộ Công an. Chỉ 5 năm dưới nhiệm kì TBT đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng đã thăng tướng cho 119 sĩ quan công an(18). Lực lượng công an và số sĩ quan công an cấp tướng ở VN hiện nay hầu như đứng đầu thế giới. Trong ĐH 12 số tướng công an nhẩy vào Bộ chính trị và Ban bí thư lên tới 6 người, cao nhất từ trước tới nay, vượt xa cánh quân đội(19). Trần Đại Quang, người biến công an thành tổ chức côn đồ đàn áp nhân dân sẽ trở thành Chủ tịch nước. Như thế sự thắng lợi vừa qua là nhờ sự ủng hộ của phe công an, nên Nguyễn Phú Trọng đã trở thành con cờ trong tay bộ máy công an mật vụ, hay chính Nguyễn Phú Trọng đang tăng cường chế độ công an trị trong nhiệm kì TBT thứ hai!

Từ 5 năm qua Đinh Thế Huynh là cánh tay mặt của Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng-văn hóa và hiện nay trở thành Thường trực Ban bí thư chỉ đứng sau Nguyễn Phú Trọng và dự tính chuẩn bị là người kế vị ông Trọng. Chọn ông Huynh làm nhân vật thân tín càng tỏ ra Nguyễn Phú Trọng chỉ thích những người xu nịnh. Thái độ này Đinh Thế Huynh đã tỏ rõ ngay khi còn làm Phó Tổng biên tập nhật báo Nhân dân giữa thập niên 90 của Thế kỉ trước. Trong chuyến tháp tùng TBT Đỗ Mười khi ấy đi giải độc ở mốt số tỉnh nông thôn miền Bắc sau cuộc nổi dậy của nông dân tỉnh Thái bình 1997 chống lại sự tham nhũng xà xẻo các quĩ công của cán bộ. Các cuộc biểu tình nổi dậy của nông dân và dẫn tới xung đột với các cơ quan chính quyền tại hầu hết các huyện, xã ở Thái bình đã làm rung động chế độ toàn trị. Vì thế trước khi về Thái bình đối diện trực tiếp với nông dân bất bình, từ cuối tháng 8.97 Đỗ Mười đã đóng vai một lãnh tụ biết điều giống như kiểu nói của Nguyễn Phú Trọng tại ĐH 12 là "trọng dân, gần dân và vì dân". Cho nên ngày 31.8.97 khi về thăm làng Vo, huyện Gia lộc, Hải dương, Đỗ Mười đã đóng bộ rất lễ phép với những nông dân có mặt "Thưa các cụ, các ông, các bà… Hôm nay tôi về thăm làng để nghe bà con phản ảnh về tình hình thực hiện quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở". Khi ấy Đinh Thế Huynh đã viết bài tường thuật dài trên tờ Nhân dân tâng bốc Đỗ Mười lên mây xanh: "Chúng tôi không biết có bài diễn văn nào của vị đứng đầu đảng cầm quyền các quốc gia trên thế giới mở đầu mộc mạc và giản dị như thế không…". Chưa đủ, ngay phần mở đầu bài tường thuật Đinh Thế Huynh còn cố tình thần tượng hóa Đỗ Mười như một vị thánh sống, bảo rằng chuyến về thăm làng của Đỗ Mười đã được thần linh trong làng báo hiệu trước: “Khói hương trầm từ gian hậu cung phảng phất. Chúng tôi biết từ sáng nay, các cụ bô lão trong làng đã thắp hương bái vọng Thành hoàng làng và các bậc tiền nhân của làng rằng: Hôm nay có một việc lớn trong làng, một việc lớn sẽ đi vào lịch sử của làng để con cháu ghi nhớ và truyền tụng mãi."(20) Cách chọn người cộng tác và kế vị như thế thể hiện rất rõ bản chất con người của Nguyễn Phú Trọng chỉ thích tự tâng bốc “mình phải như thế nào người ta mới mời chứ!” Từ đó chung quanh ông chỉ toàn bọn nịnh thần!

Chính vì thế càng không lấy làm lạ, ngay khi Nguyễn Phú Trọng thăm tòa Bạch ốc Tổng thống Obama đã nhấn mạnh những vi phạm nhân quyền trầm trọng ở VN(21). Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế xếp chế độ toàn trị ở VN là một trong những nước chà đạp nhân quyền tàn bạo nhất. Suốt 5 năm qua Nguyễn Phú Trọng luôn luôn khinh rẻ, chụp mũ và đàn áp trí thức. Thái độ này thể hiện qua các vụ điển hình như Nguyễn Phú Trọng kết án hàng ngàn nhân sĩ, trí thức và thanh niên đòi bỏ Điều 4 trong sửa đổi HP 1993 (2013) là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”(22) và để cách chức nhà báo trẻ Nguyễn Khắc Kiên, tịch thu luận văn Thạc sĩ "Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan, tức nhà văn Nhã Thuyên (2014).(23) 

Nhiều luật sư bảo vệ dân oan, chống xét xử phi pháp và phản đối thái độ ươn hèn với Bắc kinh đã bị giam giữ và cấm hành nghề. Trong khi ấy nền giáo dục ở VN lại bị đứng đội sổ so với hầu hết các nước. Thanh niên bị nhồi sọ chính sách giáo dục vừa sai lầm vừa lạc hậu. Văn hóa càng suy đồi, các hủ tục và mê tín dị đoan được sùng bái; cụ thể rõ ràng nhất là các lễ cầu quan, cầu lộc, giành giật đánh đập nhau trong dịp Tết vừa qua; trong đó nhiều cán bộ bỏ việc dùng cả xe công đi lễ!(24)

Nguyễn Phú Trọng ngay khi mới là Tổng biên tập Tạp chí CS, vào đầu năm 1994, đã đề cao chế độ toàn trị: "Ở VN không có điều kiện khách quan để chấp nhận đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập. Đó là vì tình hình chính trị, trình độ kinh tế, xã hội, dân trí, pháp luật… ở nước ta không cho phép." Để biện minh cho lí lẽ ngụy biện và thói khinh thường dân trí của mình, Nguyễn Phú Trọng dùng cả lời của Nguyễn Cao Kỳ để nói lên cái ý của mình: "Một nước vừa nghèo vừa dốt như VN mà đòi dân chủ y hệt kiểu Mĩ thì chỉ gây hỗn loạn, buôn lậu, đĩ điếm".(25) Ông Trọng khinh miệt dân đến thế là cùng! Nhưng ông Trọng đã quên lời chỉ trích thực dân Pháp của Hồ Chí Minh khi trước vẫn không chịu trao trả quyền độc lập và tự quyết cho nhân dân VN với lí do ngạo mạn là dân trí ta còn rất thấp. Ông Hồ đã trả lời đại ý, thầy dạy trò mấy chục năm mà trò không tiến, lỗi đó nằm chính ở thầy!

Trong ngoại giao, quốc phòng và an ninh: trong khi hống hách với dân, khinh thường trí thức, giả dối với đảng viên thì Nguyễn Phú Trọng lại là một trong những người cầm đầu đảng trung thành nhất với Bắc kinh, mức độ trung thành của ông đến độ ngờ nghệch, hoặc sợ hãi đến độ như con chuột bị thôi miên trước con mèo! Trong năm cuối cùng làm Chủ tịch Quốc hội, năm 2010 Nguyễn Phú Trọng đã cấm không cho Ủy ban Thường vụ quốc hội được bàn về tranh chấp biển Đông và tuyên bố "Tình hình biển Đông không có gì mới"; trong khi ấy Bắc kinh tiếp tục khuấy động và bành trướng! Sau khi ông Trọng nắm chức TBT lần đầu 2011, Hồ Cẩm Đào đã cử đặc phái viên sang Hà nội chúc mừng. Khi đó Nguyễn Phú Trọng hí hửng như con nít được mẹ xoa đầu nên đã tuyên bố "Chưa bao giờ ngay sau Đại hội, một số đảng anh em như… Đảng Cộng sản Trung quốc cử đặc phái viên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước sang gặp Tổng bí thư ta để trực tiếp chúc mừng thành công của Đại hội" (26) Ông Trọng còn tuyên bố trước Hội nghị quan trọng của Đảng gọi các thủ lãnh của Bắc kinh là "Bạn"(27) Ngày 29.1.16, chỉ một ngày sau tái cử TBT, Nguyễn Phú Trọng đã trân trọng tiếp đặc phái viên của Tập Cận Bình và hãnh diện nhận tấm ảnh hình "búa liềm" (28) họ Tập tặng, biểu tượng "tình đồng chí" giữa hai đảng! Không những thế, Bắc kinh biết rõ bệnh tâm lí tự ti mặc cảm rất nặng của Nguyễn Phú Trọng nên đã hai lần giành những nghi lễ ngoại giao cao nhất khi ông thăm Trung quốc. Mỗi lần cấp cao hai bên gặp nhau, Bắc kinh đều long trọng hứa là không làm xấu thêm tình hình và đòi Hà nội không được quốc tế hóa tranh chấp biển Đông.

Nhưng các hình thức và hứa hẹn đó của những người cầm đầu Bắc kinh chỉ là bề ngoài, hứa hão, tìm cách ru ngủ nhóm cầm đầu CSVN và đánh lừa dư luận nhân dân VN và thế giới. Trong thực tế suốt 5 năm Nguyễn Phú Trọng làm TBT cũng là thời kì Bắc kinh đã thành công lớn trong chính sách bành trướng tại biển Đông. Từ lập bản đồ 9 đoạn coi hầu hết biển Đông là cái hồ của Trung quốc, thiết lập cơ quan hành chánh cai quản hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa chiếm được của VN và một số nước Đông nam á, tới các tầu hải quân Trung quốc xâm phạm lãnh hải VN cắt đứt cáp quang các tầu thăm dò đầu khí của VN (2012) và giữa năm 2014 còn ngang ngược thêm cho giàn khoan khủng HD 981 vào ngay trong lãnh hải VN với sự hộ tống và bảo vệ của hàng trăm tầu hải quân Trung quốc. Bắc kinh vẫn săn đuổi các thuyền đánh cá và giết hại, làm bị thương hàng trăm ngư dân VN. Trong hai năm gần đây Bắc kinh còn cải tạo các đảo chiếm đóng thành những căn cứ quân sự để kiểm soát tầu buôn quốc tế và đe dọa an ninh quốc phòng VN trực tiếp. Chính sách bành trướng của Bắc kinh đã trở thành một vấn đề nóng của an ninh thế giới.(29)

Như thế trong 5 năm qua với tư cách TBT và Chủ tịch Quân ủy trung ương cho thấy các chính sách thần phục phương Bắc của Nguyễn Phú Trọng đã hoàn toàn thất bại. Chính nó tạo tiền đề cho chủ trương bành trướng theo chiến lược được đằng chân lân đằng đầu của Bắc kinh. Nguyễn Phú Trọng, Phùng Quang Thanh từng đề cao sách lược an ninh quốc phòng "ngăn ngừa chiến tranh từ xa", "đàm phán song phương với Bắc kinh, không quốc tế hóa vấn đề biển Đông", "chủ trương ba không" và không cho thanh niên, trí thức xuống đường chống Bắc kinh xâm lấn; nay đã bị chứng minh là hoàn toàn sai lầm và ngờ ngệch. Nói là ngăn ngừa chiến tranh từ xa, nhưng thực sự Bắc kinh đang kề dao tới cổ Hà nội. Nay Bắc kinh đang sử dụng biển đảo của VN lập những căn cứ quân sự với phi cơ, tầu chiến và hỏa tiễn phòng không đe dọa trực tiếp và thường xuyên an ninh, chủ quyền và độc lập của đất nước. 

Dù đất nước vẫn còn nghèo, nhưng Hà nội phải bỏ nhiều tỉ Mĩ kim để mua tầu ngầm và phi cơ quân sự của Nga, tuy nhiên Bắc kinh coi thường. Vì Bắc kinh không chỉ sỏ mũi được những người cầm đầu Hà nội, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, mà còn nắm được dạ dầy của VN! Năm 2015 mức nhập siêu từ Trung quốc đã lên tới trên 52 tỉ USD (32 tỉ USD chính thức và 20 tỉ USD qua buôn lậu). Các nhà thầu Trung quốc đang chiếm 77/106 các dự án lớn ở VN (30). Trước, trong và sau ĐH 12 Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Sinh Hùng đã phải sang Bắc kinh, và Tập Cận Bình đã sang Hà nội vừa thoa bóp và đe dọa cho đề án nhân sự cấp cao của ĐCSVN. Bắc kinh đã xử lí đúng như hoàn cảnh con ong đã tỏ đường đi lối về!

***

Trong 5 năm cầm đầu chế độ toàn trị Nguyễn Phú Trọng đã thất bại trong kinh tế, ngoại giao, an ninh quốc phòng và tư tưởng văn hóa; đưa đất nước càng tụt hậu, tham nhũng càng bành trướng, văn hóa giáo dục càng thêm suy đồi, độc lập và chủ quyền đang bị đe dọa nghiêm trọng! Tình hình này đã dẫn tới phân hóa trầm trọng và kéo dài ngay trong Bộ chính trị và Trung ương đảng, dẫn tới tình trạng xứ quân, đền vua Trọng phủ chúa Dũng! Trong ĐH 12 Nguyễn Phú Trọng và phe cánh đã tung mọi thủ đoạn độc ác và tồi tệ nhất để nắm quyền hành tiếp và theo con đường "Nguyễn Như Vân", tức chủ nghĩa Marx-Lenin, đòi độc quyền, không chấp nhận thay đổi thế chế chính trị, muốn kìm kẹp 90 triệu dân ta….! 

Chả lẽ cứ ngồi chờ sung rụng, không chiến tự nhiên thành? Gần 70 năm dân ta đã tin và chịu đựng, đã chờ đợi. Nhưng cuối cùng những người cầm đầu chế độ toàn trị, đứng đầu hiện nay là Nguyễn Phú Trọng đã phản bội! 

Đường ta ta cứ đi!

Bất kể chính kiến, quá khứ chính trị, tôn giáo và chủng tộc - dân tộc VN trong Thế kỉ 21 có mục tiêu chung chính đáng và cao cả là củng cố độc lập, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, cùng nhau kiến tạo một nước VN hùng cường trở thành một cường quốc dân chủ ở Đông nam á. Với diện tích, dân số và tài nguyên đa diện và dồi dào của VN, nước ta không phải tiểu quốc và nhược quốc, ngược lại là một nước lớn. Nhiều nước nhỏ hơn, dân số ít hơn và tài nguyên không nhiều như VN, nhưng đã trở thành những cường quốc khu vực hoặc thế giới vì họ có thể chế chính trị văn minh, như Nhật, Đức, Đại hàn…

Nếu có môt thể chế chính trị thích hợp, thực hiện đường lối nội trị sáng suốt để phát triển nội lực, biến ý chí chung, sự thông minh và cần cù của mọi tầng lớp nhân dân thành động lực canh tân và phát triển, biến tiềm năng của tài nguyên thành sức mạnh vật chất thì chúng ta có thể tự tin là, VN sẽ trở thành một cường quốc trong khu vực, nhân dân được ấm no hạnh phúc. Nếu VN thực hiện một chính sách ngoại giao và quốc phòng -an ninh thông minh thì Trung quốc không dám động đến dân tộc ta, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ được bảo đảm mà không phải dùng đến chiến tranh! 

Thể chế chính trị tiến bộ của thời đại đang được đại đa số các dân tộc văn minh trên thế giới thực hiện rất thành công trong việc gây dựng hạnh phúc, giữ gìn phẩm giá cho nhân dân và phú cường cho đất nước chính là chế độ Dân chủ đa nguyên. Triết lí tư tưởng và nền tảng tổ chức của chế độ chính trị này là sự kết tinh của học tập và rút kinh nghiệm của nhiều dân tộc trên thế giới và trải qua nhiều thế kỉ đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp nhất với xã hội văn minh. 

Ngày nay thể chế Dân chủ đa nguyên còn đang được sự hỗ trợ mạnh mẽ của hai trào lưu mới của thời đại. Đó là tiến trình toàn cầu hóa về kinh tế, tài chánh, thương mại đang làm cho các quốc gia và các dân tộc liên đới và phụ thuộc lẫn nhau. Và sự bùng nổ của kỉ nguyên thông tin điện tử làm cho các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới sát lại và hiểu biết nhau hơn. Vì thế chỉ trong vài thập niên gần đây hàng loạt các nước độc tài ở Âu châu, Mĩ-latinh và Á châu cũng đã chuyển thành công sang Dân chủ đa nguyên, trong đó phần chính là không phải dùng tới bạo lực!

Tuy vẫn còn có những mức độ khác nhau, nhưng các chế độ dân chủ đa nguyên có những giá trị chung được thừa nhận. Đó là các hoạt động chính trị vừa là quyền và trách nhiệm của mọi người dân, các công dân sử dụng quyền chính trị gián tiếp và trực tiếp (lập các tổ chức dân sự, chính đảng, bầu cử và ứng cử…) thông qua phương pháp hoạt động chính trị phi bạo lực. Nhân quyền được tôn trọng, dân tộc thiểu số được bảo vệ, người gặp khó khăn được xã hội đùm bọc. Kinh tế thị trường là nền tảng các hoạt động kinh tế và lao động; trong đó bảo đảm các quyền chính đáng của công nhân trong lao động, lương bổng và bảo hiểm; đồng thời tôn trọng quyền tư hữu, sáng kiến và qui luật cạnh tranh lành mạnh. Văn hóa, giáo dục và khoa học đặt nền tảng trên tôn trọng nhân phẩm, khuyến khích khả năng và tinh thần tự lập là động lực để cá nhân thăng tiến và đất nước giầu mạnh. Hiến pháp dựa trên tinh thần bình đẳng, công bằng và dân chủ tự do.

Để các tiêu chuẩn giá trị và các quyền căn bản trên đây được thực hiện, trong các chế độ Dân chủ đa nguyên phải có một hệ thống tổ chức chính quyền dựa trên nền tảng phân quyền độc lập và bình đẳng giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Có hệ thống thẩm phán và công chức độc lập. Các hoạt động báo chí, thông tin và văn hóa được độc lập và tự do. Các cơ quan công quyền từ trung ương tới cơ sở đều phải tuân theo hiến pháp và luật pháp. Các người đại diện của nhân dân phải do nhân dân tham gia trực tiếp và gián tiếp xuyên qua các cuộc bầu cử và ứng cử định kì và dân chủ tự do.

***

Do những sai lầm của những người cầm đầu CSVN trước đây và Nguyễn Phú Trọng hiện nay, nên VN đang phải đối diện với chủ trương bao vây và xâm lấn rất hiểm độc của nhà cầm quyền Bắc kinh trên toàn bộ biển Đông. Ngoài ra Bắc kinh còn sử dụng chiến lược mềm để lũng đoạn kinh tế, tài chánh, thương mại, chính trị và văn hóa, nhằm biến VN thành chư hầu, nơi tiêu thụ hàng Trung quốc và làm bàn đạp để mở rộng ảnh hưởng xuống Đông nam á.

Cầm quyền từ hơn ba năm, Tập Cận Bình đã từng bước củng cố quyền lực độc tài riêng cho cá nhân. Dùng ngọn cờ chống tham nhũng “đập hổ, giệt ruồi” để thanh toán các đối thủ chính trị ngay trong ĐCS. Dùng chính sách chỉnh đảng để đưa vây cánh vào các chức vụ then chốt. Dùng cải tổ quân đội, tăng cường quốc phòng để thực hiện chính sách xâm lấn biển Đông. Dùng chiêu bài “con đường tơ lụa” ở Á châu để thực hiện “Giấc mơ vĩ đại của Trung quốc” nhằm tái lập chế độ đế quốc mới của Đại Hán ! Họ Tập đang thần tượng hóa cá nhân mình như thời Mao.

Nhưng Tập Cận Bình đang bị lúng túng và mâu thuẫn giữa khả năng rất giới hạn của Trung quốc và tham vọng quyền lực đặc sệt đầu óc đế quốc. Các cải cách kinh tế đã để lộ những yếu kém và sai lầm của chính sách kinh tế chỉ huy, mức tăng trưởng kinh tế hiện nay chỉ còn bằng nửa các năm trước, xuất khẩu và nhập khẩu giảm nhanh, thị trường chứng khoán bị khủng hoảng trầm trọng từ cuối 2015, mức dự trữ ngoại tệ cũng giảm nhanh. Sự nhiễm độc môi trường ở sông, hồ và trong không khí ở mức cực cao và kéo dài do hậu quả của chủ trương phát triển kinh tế bằng mọi giá đã tác động vô cùng tai hại cho sức khỏe nhân dân và môi trường thiên nhiên. Trong khi ấy mức chênh lệch giầu nghèo ở Trung quốc càng gia tăng. Theo Quĩ tiền tệ Quốc tế, Trung quốc đang là nước đứng đầu về bất công, chênh lệch giầu nghèo càng gia tăng. Số nhà tỉ phú (Dollar) ở Bắc kinh cao hơn ở New York (31). Trí thức, nhà báo và văn nghệ sĩ gia tăng chống đối. Tập Cận Bình tăng cường kiểm duyệt và đàn áp, đồng thời đánh bóng chủ nghĩa lãnh tụ! (32) Chế độ chính trị, kinh tế và xã hội hiện nay của Trung quốc chứa đựng những yếu tố độc tài, tham nhũng, bất công là mầm mống của những bất ổn ở trong nước và là nguy cơ cho các nước chung quanh.

Trong những năm gần đây sở dĩ Bắc kinh cứ ngang ngược lấn chiếm biển đảo nước ta là vì sự nhu nhược của Nguyễn Phú Trọng và VN không có đồng minh đủ mạnh để Bắc kinh kiêng nể không dám đụng tới. Vì vậy một nước VN mới phải hoạch định một “Sách lược Bắc phương”, với mục tiêu trước mắt là ngăn chặn hữu hiệu sự bao vây và lấn chiếm và không để Bắc kinh dám sử dụng vũ lực và mục tiêu lâu dài là cùng các nước khu vực và quốc tế kiến tạo hòa bình, thịnh vượng và dân chủ tự do ở Á châu. Sách lược Bắc phương phải dựa trên một số yếu tố căn bản:

1. Xây dựng nội lực của VN làm căn bản với đoàn kết dân tộc và dân chủ đa nguyên.

2. Thiết lập quan hệ chiến lược với các nước dân chủ trong Asean, Nhật bản, Đại hàn, Ấn, Úc và Liên minh Âu châu.

3. Thiết lập quan hệ liên minh chiến lược với Hoa kì, siêu cường quân sự và kinh tế trên thế giới. Ba yếu tố cơ bản này gắn bó hữu cơ mật thiết với nhau. Chỉ khi nào VN có một chế độ dân chủ thực sự thì chính phủ và quốc hội Mĩ mới có thể thương lượng và thông qua các hiệp ước liên minh chiến lược lâu dài với VN. Nếu không có liên minh chiến lược với Hoa kì và các đồng minh chính của Hoa kì thì Bắc kinh sẽ tiếp tục lấn tới. Vì thế dân chủ ở VN và liên minh với Mĩ và các đồng minh của Mĩ là hai tiền đề căn bản để Bắc kinh không dám tiếp tục bành trướng và không dám đụng đến VN! 

Một số sách lược tương tự như vậy cũng đã được triển khai thành công ngay trong giai đoạn Chiến tranh lạnh. Trong đó nổi bật nhất là “Ostpolitik” (Chính sách phía Đông) của cố Thủ tướng Đức Willy Brandt và là người được Giải thưởng Hòa bình Nobel. Khi ấy Tây Đức là một quốc gia dân chủ và hùng mạnh trong EU và thành viên của NATO, nhưng đất nước còn bị chia đôi và thường xuyên bị Liên xô khi ấy bao vây và đe dọa. Trong thế liên minh chặt chẽ với cường quốc nguyên tử Mĩ và EU, Tây Đức đã điều đình với Liên xô từ cuối thập niên 60 theo sách lược “Ostpolitik”, bình thường hóa ngoại giao với Đông Đức, kí Hiệp ước hòa bình với Liên xô và sau đó là Hiệp ước Helsinki về An ninh và hợp tác Âu châu (1975) giữa Mĩ, Liên xô, Gia nã đại và các nước Âu châu. Sau đó tiến tới giải trừ binh bị, trao đổi thương mại và thông tin, đồng thời khuyến khích các hoạt động nhân quyền ở ngay Liên xô và các nước CS Đông Âu. Đây là những điều kiện và tiền đề để ra đời nghiệp đoàn độc lập Solidarnosc ở Ba lan và sau đó chính sách Glasnost và Perestroika của Tổng thồng Gorbatschow.Từ đó mở đường cho thay đổi thể chế chính trị trước hết ở Đông Âu, sau cả ở Liên xô từ độc tài sang dân chủ không phải dùng vũ lực! 

Quyền ta ta cứ làm!

Trong các năm gần đây những người dân chủ ở trong nước đã đi thêm những bước thích hợp và đạt được một số thành quả trong cuộc vận động chống Bắc kinh xâm lấn, chống độc tài, chống bạo hành của công an, bảo vệ dân oan…Nhiều người dân chủ đã thay đổi tâm lí và ý chí, từ sợ hãi, thờ ơ chuyển sang tham gia tích cực; biết khai thác sở trưởng để mở rộng tiếng nói, ảnh hưởng và gia tăng lực lượng.

Các cuộc biểu tình của dân oan, của nông dân đòi lại ruộng đất bị tịch thu trái phép tiếp tục nổ ra ở nhiều địa phương từ Bắc chí Nam. Các cuộc đình công của công nhân với hàng ngàn người đòi tăng lương, cải thiện điều kiện lao động, cải thiện bữa ăn tiếp tục diễn ra ở nhiều xí nghiệp lớn ở các trung tâm công nghiệp. Các hoạt động bất tuân, xé rào của trí thức, thanh niên và đảng viên tiến bộ mở các cuộc hội thảo, biểu tình chống Bắc kinh xâm lấn và các buổi lễ kỉ niệm cuộc chiếm đóng Hoàng sa (19.1), chiến tranh xâm lược của Bắc kinh (17.2) đã gây được sự ủng hộ của nhân dân và tạo được sự kính trọng của dư luận quốc tế và khiến cho một số người trong chế độ toàn trị bắt đầu phải mở mắt. Những cuộc tiếp xúc thảo luận với đại diện các sứ quán và tổng lãnh sự của Mĩ và các nước EU tại Hà nội và Sài gòn đã gây được uy tín và hậu thuẫn của các nước dân chủ đối với phong trào vận động dân chủ ở VN. 

Số các báo điện tử (Blogger) của cá nhân và tổ chức ngày càng gia tăng. Số người đọc và theo dõi tin tức điện tử đã lên tới 30 triệu người, đại đa số là người trẻ. Các Blogger điện tử đang là đầu tầu, là tai mắt và tiếng nói đầy sung lực và rất nhạy bén; trong nhiều dịp làm tê liệt, át cả bộ máy tuyên truyền khổng lồ của trên 800 báo, đài của lề đảng với hàng chục ngàn kỉ giả và tuyên truyền viên. Rõ ràng nhất là trong thời gian chuẩn bị và diễn ra ĐH 12, khiến cho bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và Trưởng ban Tuyên giáo trung ương khi ấy là Đinh Thế Huynh phải nhiều lần báo động.

Trong những tuần lễ vừa qua nhiều trí thức, chuyên viên, kể cả những đảng viên tiến bộ, đã cương quyết xé rào, bất tuân những đe dọa, không sợ hiểm nguy, công khai đứng ra tranh cử vào Quốc hội. Nhiều người khác đã công khai lên tiếng ủng hộ và cổ động cho các ứng cử viên độc lập. Điều này cho thấy tâm lí tích cực, chủ động cùng với ý chí dấn thân đang tạo ra một phong trào mới được sự tâm phục và ủng hộ của nhiều giới, đồng thời tạo sự kính trọng trong dư luận quốc tế.

Vì lương tâm của chính mình, vì uất ức của nhân dân, vì nguy cơ của đất nước nên ngày càng nhiều đảng viên cao cấp đã bất phục những người cầm đầu độc tài, gian dối. Nhiều nhân vật đã không chịu tuân lệnh và lên tiếng công khai. Trước đây như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu ủy viên Bộ chính trị Trần Xuân Bách, cố Trung tướng Trần Độ, GS Hoàng Minh Chính… Hiện nay nhiều sĩ quan và cán bộ cao cấp đã về hưu và đương chức cũng tích cực tham gia phong trào vận động dân chủ của toàn dân.

Tựu trung lại, nhân dân thuộc nhiều thành phần từ nhiều năm qua đã nhận thức rất rõ là, sự cầm quyền hiện nay là bất chính; những người cầm đầu bất tài, nhu nhược, chỉ lo tham lam quyền-tiền, đàn áp dân lành, nhưng lại ươn hèn cúi đầu trước Bắc kinh. Càng chờ đợi càng thất vọng. Vì thế nhân dân các giới, kể cả các đảng viên tiến bộ, đã không tâm phục khẩu phục những người cầm quyền bất chính và tha hóa đạo đức, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng. Từ bất phục chuyển sang bất tuân và xé rào: Nông dân đứng lên đòi lại đất đai, công nhân đòi lập nghiệp đoàn bảo vệ lao động, các cuộc biểu tình phản đối những hành động côn đồ của công an, xuống đường kết án các hành động bành trướng của Bắc kinh và tổ chức kỉ niệm các ngày 19.1 và 17.2 bất chấp những đe dọa. Nhiều trí thức, thanh niên và đảng viên đã công khai kí tên trong các lời kêu gọi, kiến nghị…cảnh cáo những sai lầm và yêu cầu phải trả lại chính quyền cho nhân dân.

Nhiều cơ hội thuận tiện đang diễn ra. Cuộc bầu cử Quốc hội và chuyến thăm của Tổng thống Mĩ Obama vào tháng 5 sắp tới. Trong khi những người cầm đầu chỉ muốn tiếp tục bầu cử độc diễn theo kiểu đảng cử dân bầu thì nhiều trí thức, chuyên viên, trong đó có cả phụ nữ can đảm đứng ra ứng cử độc lập. Nhiều giới sẽ tổ chức các cuộc hội thảo và xuống đường trong dịp Tổng thống Obama thăm VN để tỏ rõ ý chí tự cường, nguyện vọng muốn được hưởng dân chủ tự do của nhân dân VN.

Việc VN tham gia Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một cơ hội mới cho đất nước và nhân dân. Nó tạo điều kiện thuận lợi để VN có thể chuyển những tiềm năng lớn trong lao động, kinh tế… thành sức mạnh để đưa VN từ phát triển trung bình thấp sang phát triển cao, từ độc tài sang dân chủ. Nhiều chuyên viên và những người dân chủ đang phổ biến các điều khoản của TPP xác nhận trách nhiệm của nhà cầm quyền trong lao động và quyền của công nhân trong việc thành lập các nghiệp đoàn tự do và các tổ chức dân sự; trách nhiệm của nhà cầm quyền phải chấm dứt độc quyền ưu tiên cho các Doanh nghiệp nhà nước và phải tạo những điều kiện công bằng để tư nhân được tự do kinh tế, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công bằng theo đúng qui luật kinh tế thị trường. Nhiều giới đang chuẩn bị thành lập các ủy ban để kiểm soát và theo dõi nhà cầm quyền trong việc thực thi TPP. Các ủy ban này còn có sứ mệnh bảo vệ những qui định của TPP về thành lập nghiệp đoàn tự do, chấm dứt độc quyền của các Doanh nghiệp nhà nước…Các ủy ban này sẽ thông tin thường xuyên ở trong nước và các nước thành viên của TPP về những vi phạm của chế độ toàn trị ở VN. 

Phương pháp hoạt động này đã thành công lớn ở Liên xô và Đông Âu vào giữa thập niên 70 của thế kỉ trước sau khi Hiệp định An ninh và Hợp tác Âu châu ra đời 1.8.1975 ở Helsinki của 33 nước ở Âu châu cùng với Mĩ và Gia nã đại. Sự ra đời của các Ủy ban bảo vệ Helsinki của nhà Vật lí nguyên tử và người được giải thưởng Hòa bình Nobel Sacharow ở cựu Liên xô, Solidarnosc ở Ba lan, Charta 77 ở Tiệp… đã là những cái mầm cho các phong trào đòi nhân quyền, tự do nghiệp đoàn để tiến tới chuyển các xã hội độc tài toàn trị sang dân chủ trong hòa bình ít năm sau đó!

***

Lấy khát vọng chính đáng của nhân dân làm động lực đấu tranh, lấy văn minh thời đại làm hướng đi, những người đân chủ VN đang dựng lên ngọn cờ Dân chủ đa nguyên trên quê hương VN mới, tự tin, vững bước hành xử các quyền chính đáng của mình như nhiều dân tộc văn minh đã thực hiện thành công. Nhân dân ta, đi đầu là trí thức, thanh niên và những đảng viên tiến bộ, bất phục và bất trọng những người cầm quyền bất chính, tha hóa đạo đức, độc ác với nhân dân, nhưng lại cúi đầu trước bọn bành trướng Bắc kinh. Vì thế nhiều giới đã dứt khoát bất tuân, quyết phá các rào cản chính trị, kinh tế, văn hóa và ngoại giao của chế độ độc tài toàn trị, đứng đầu hiện nay là Nguyễn Phú Trọng, để mở đường tiến lên Dân chủ đa nguyên, đất nước phú cường, gìn giữ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. 

Tiếng gọi Đường ta ta cứ đi, quyền ta ta cứ làm là tiếng nói của lương tâm và mệnh lệnh của trí tuệ, là tiếng gọi yêu nước, phù hợp với qui luật phát triển của thời đại đầu Thế kỉ 21. Nó đang được sự hưởng ứng ngày càng tích cực của nhân dân ta và được sự ngưỡng mộ, ủng hộ của các dân tộc văn minh trên thế giới!

6.3.2016

____________________________________________
Chú thích:
(1). Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí CS, “Nhận diện và đột phá cấp bách các nguy cơ trong Đảng hiện nay 22.12.15 Tạp chí CS điện tử,http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2015/36787/Nhan-dien-va-dot-pha-cap-bach-cac-nguy-co-trong-Dang.aspx.
(2). Cùng tác giả, Đại hội 12 đi về đâu? Nguyễn Phú Trọng quyết dùng cả giải pháp bạo lực để thanh toán đối thủ trong đảng: http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2016/adt901.htm#_edn1
(3). VN Net (VNN) 28.1.16
(4). Infonet 22.12.15
(5). Tạp chí CS giới thiệu vào dịp ĐH 12 họp, TCCS 18.1.16
(6). Cùng tác giả, Báo cáo Chính trị-Kinh tế của Nguyễn Phú Trọng báo hiệu:Đất nước tiếp tục bị dìm trong độc tài, tụt hậu, tham nhũng, thối nát và đứng trước nguy cơ lệ thuộc ! http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2016/adt241.htm
(7). Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc (20-25.1.94), TCCS 2.94
(8). Cùng tác giả, sách sẽ xuất bản
(9). Cùng tác giả, Hai năm làm Tổng bí thư (1.2011 – 1. 2013) - Nguyễn Phú Trọng đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu? http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2013/adt3.htm
(10). RFA 27.1.16
(11). Như 9
(12). Điều 53
(13). VNN 1-4.3.16.
(14). RFA phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh 23.2.16
(15). Thời báo kinh tế Sài gòn 12.2.16
(16). Như 14; BBC 25.2
(17). Như 6 
(18). Lên thiếu tướng là 92; từ thiếu tướng lên trung tướng là 20; từ trung tướng lên thượng tướng là 6; thượng tướng lên đại tướng là 1, VOA 20.2.16
(19). Infonet 31.1.16
(20). Nhân dân 4.9.97; sách của tác giả sẽ phát hành
(21). Cùng tác giả, Nguyễn Phú Trọng đi Mĩ: Đồng sàng dị mộng, mượn gió bẻ măng. Con đường của chúng ta, những người dân chủ vững bước tiến lên; http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2015/adt317.ht
(22). Nguyễn Đăng Quang, đã ba năm rồi, vẫn còn đó, một lời đe dọa, Dân quyền 26.2.16
(23). Cùng tác giả, TBT Nguyễn Phú Trọng châm ngòi như thế nào cho vụ hủy Luận văn và tước bằng Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan?; http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2014/dothithoan.htm
(24).VOA 21.2.16, Tuổi trẻ 29.2; Infonet 16.2
(25). Nguyễn Phú Trọng, Kinh tế thị trường và lãnh đạo của Đảng, TCCS 1.94, 29-33
(26). Cùng tác giả, Tháng 6. 2011 là cái mốc lịch sử: Đảng đang chống lại nhân dân! http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2011/adt306.htm) 
(27). Nguyễn Phú Trọng diễn văn tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc ngày 27.2.12, Nhân dân 27.2.12
(28). Đảng CS 29.1.16
(29). Cùng tác giả, Họ Tập xỏ mũi Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, nhưng không đánh lừa được nhân dân VN ! http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2015/adt1411.htm
(30). VOA 29.1.16
(31). Süddeutsche Zeitung 26.2.16
(32). Như trên, 23.2.16
Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
Email: dcvapt@gmail.com